Chương trình 1433/CTPH-TLĐ-PTM&CNVN năm 2019 phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2019-2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành

Số hiệu 1433/CTPH-TLĐ-PTM&CNVN
Ngày ban hành 17/09/2019
Ngày có hiệu lực 17/09/2019
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang,Vũ Tiến Lộc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LĐLĐ - PHÒNG TM&CN
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1433/CTPH-TLĐ-PTM&CNVN

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2019

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỐI HỢP CÔNG TÁC TRONG LĨNH VỰC QUAN HỆ LAO ĐỘNG, XÂY DỰNG GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Căn cứ Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chương trình công tác của các bên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2019 - 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong việc đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (sau đây viết tắt là NLĐ), người sử dụng lao động (sau đây viết tắt là NSDLĐ), tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh và phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp.

- Tạo bước phát triển mới, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, lâu dài giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

- Thiết lập cơ chế hợp tác, thông tin, trao đổi, tham vấn, đối thoại, thương lượng thường xuyên, định kỳ giữa hai bên.

- Giải quyết những vấn đề quan trọng, tác động đến số đông NLĐ, doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

2. Yêu cầu

- Phối hợp dựa trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí, tôn trọng lẫn nhau, hài hòa lợi ích của các bên;

- Hoạt động phối hợp được thực hiện ở các cấp có đại diện của các bên, trong đó đẩy mạnh hoạt động ở cấp Trung ương, tỉnh, thành phố và ngành, có sự tham gia hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, tạo động lực để thúc đẩy hoạt động hợp tác hiệu quả ở cấp cơ sở.

- Nội dung phối hợp phải thiết thực, phù hợp với quy định pháp luật, tiêu chuẩn lao động và thông lệ quốc tế; góp phần đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của số đông NLĐ, NSDLĐ và tổ chức công đoàn.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

1.1. Tuyên truyền, vận động công nhân, NLĐ tích cực nâng cao nhận thức, trau dồi bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức chấp hành pháp luật, thái độ, tác phong, tinh thần làm việc, thực hiện nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động NSDLĐ nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; tuân thủ pháp luật, chăm lo, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, phù hợp đối với NLĐ.

1.2. Vận động, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách, tạo được chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân; hàng năm dành kinh phí thỏa đáng và thời gian cho đào tạo, đào tạo lại công nhân.

1.3. Đề xuất và triển khai các giải pháp bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao thu nhập cho NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi của NLĐ;

1.4. Tổ chức tốt các hoạt động trong “Tháng Công nhân” theo tinh thần Thông báo Kết luận số 77-TB/TW ngày 24/02/2012 của Ban Bí thư về việc chọn tháng 5 hàng năm là “Tháng Công nhân” và “Tết sum vầy” theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Phối hợp tuyên truyền, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp

2.1. Thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể hiệu quả ở các cấp

2.1.1. Hướng dẫn, hỗ trợ NSDLĐ thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc; phối hợp với công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng, ký kết và thực hiện đầy đủ nội dung thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đã ký kết.

2.1.2. Hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS chủ động đề xuất, phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT đã ký kết, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình doanh nghiệp, trong đó chú trọng nội dung về tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bữa ăn ca...

2.1.3. Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT đa doanh nghiệp đối với một số ngành lớn, quan trọng, sử dụng đồng lao động như dệt may, điện tử, da giầy, du lịch, vận tải...

2.2. Giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và NLĐ

2.2.1. Các bên chủ động triển khai giám sát việc chấp hành pháp luật của NLĐ và NSDLĐ, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, vi phạm để có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ.

[...]