Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chương trình 1306/CTr-TLĐ năm 2019 về Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1306/CTr-TLĐ
Ngày ban hành 15/08/2019
Ngày có hiệu lực 15/08/2019
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Thương mại

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1306/CTr-TLĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH VỚI CHÍNH PHỦ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC GIAI ĐOẠN 2019-2023

Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, các cấp công đoàn đã khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, căn cứ Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng và triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hăng say lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

- Công đoàn phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; thực hành tiết kiệm; nâng cao nhận thức của người lao động về biến đổi khí hậu; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

- Thông qua Chương trình, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong sự phối hợp và đồng hành với Chính phủ; tiếp tục khẳng định sự đóng góp quan trọng của Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện

- 100% tổ chức công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động hiểu về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

- 100% Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện và Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc ký kết chương trình hoặc quy chế phối hợp công tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp.

- Tham gia xây dựng 100% các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động của doanh nghiệp theo yêu cầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

- 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương hưởng ứng, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, đồng thời tổ chức được ít nhất một (01) phong trào thi đua mang tính đặc thù của địa phương, ngành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững doanh nghiệp, ngành, địa phương.

- 100% tổ chức công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, đổi mới tác phong, chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; đến năm 2023 có ít nhất 70% công đoàn cơ sở có các hình thức phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, người lao động, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế số.

- 100% tổ chức công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích, tạo động lực để đoàn viên, người lao động hăng say làm việc, gắn bó với tổ chức công đoàn.

- Hàng năm, có từ 90% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện xã hội và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình đã đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam

- Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của các cấp công đoàn, trọng tâm là các vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam và hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

- Tuyên truyền để đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước; từ đó khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm đối với đất nước, đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong mỗi đoàn viên, người lao động để nỗ lực không ngừng cho nhiệm vụ chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

- Tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, đoàn viên, người lao động khu vực hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tận tâm, tận tụy, liêm chính, sáng tạo, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, gắn bó với doanh nghiệp, không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình làm việc, làm việc hăng say, nâng cao năng suất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nên sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động gắn kết nội dung phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Nâng cao sức cạnh tranh quốc gia với mục tiêu là vì con người, do con người. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

- Thông qua các hoạt động nhất là hoạt động đối ngoại của tổ chức Công đoàn Việt Nam, giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về môi trường đầu tư kinh doanh, về các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho chủ sử dụng lao động là người nước ngoài và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam về truyền thống vẻ vang của dân tộc, về những phẩm chất cần cù, chịu khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của con người Việt Nam.

2. Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp

- Nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ công đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, đến doanh nghiệp, khởi nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, cải cách hành chính… Tham gia đầy đủ, có chất lượng 100% văn bản là các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và chính quyền các cấp xin ý kiến. Các ý kiến đóng góp phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Tập trung nâng cao năng lực tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị; quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thích ứng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp làn thứ tư, của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, của biến đổi khí hậu, của các cuộc chiến tranh, tranh chấp thương mại và khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu.

- Chủ động, tích cực tham gia xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là những quy chế trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, như: Nội quy lao động, Quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng lương, trả lương, trả thưởng, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành thiết bị, đổi mới công nghệ, Quy chế Thi đua, khen thưởng, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Chế độ, chính sách của người lao động… Các quy định được ban hành phải đảm bảo tạo động lực để người lao động làm việc với năng suất cao, hiệu quả tốt, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

- Tăng cường sự tham gia của công đoàn trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tập trung và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

[...]