Chương trình 11/Ctr-UBND năm 2021 về xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang năm 2022

Số hiệu 11/Ctr-UBND
Ngày ban hành 23/12/2021
Ngày có hiệu lực 23/12/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CTr-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2021

I. Kết quả đạt được

Duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" và Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực: Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng dần, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 12, tăng 34 bậc so với năm 2019.

Tỉnh đã thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa - Tập đoàn Sungroup, Công ty cổ phần Flamingo Redtours quan tâm nghiên cứu về các dự án du lịch, nghỉ dưỡng; Công ty cổ phần bất động sản Capella, Công ty TNHH xây dựng Tự Lập nghiên cứu, khảo sát về đầu tư hạ tầng khu công nghiệp,…

Tiếp tục hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại GO!; Công ty TNHH Leverages Career Việt Nam về lĩnh vực, dự án phát triển nguồn nhân lực du học sinh Nhật Bản; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Cổ phần BSR Việt Nam về Dự án "Nhà máy xử lý chất thải thành phần hữu cơ và tạo điện năng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến cam tại tỉnh.

Kết nối, tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc cũng như đón tiếp đoàn công tác của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức1 gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh gửi Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khách nước ngoài, đoàn khách quốc tế để quảng bá, giới thiệu về tỉnh. Tổ chức/tham gia2 giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tham dự Hội nghị, Hội thảo của các Bộ, ban, ngành tổ chức3 nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến hợp tác đầu tư từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban hành và triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021; Tổng hợp danh mục dự án mời gọi đầu tư và dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (tiếng Anh, tiếng Việt) với 200 tin, bài và 1.235.515 lượt truy cập.

Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 244 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.110 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.114 doanh nghiệp (bao gồm 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 22.355 tỷ đồng. Thẩm định chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 70 dự án, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 29 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 21 dự án, quyết định chấp thuận 05 nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định về đấu thầu 04 khu đô thị và 01 dự án thương mại, dịch vụ; quyết định chủ trương nghiên cứu 12 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, đạt 50% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 (phấn đấu thu hút 45.000-50.000 tỷ đồng).

II. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, hạ tầng thiết yếu mà nhà đầu tư cần gắn với dự án, khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chưa triển khai được theo kế hoạch; chưa thu hút được dự án FDI quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Danh mục thu hút, mời gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu đầu vào cụ thể, chi tiết để cung cấp cho các nhà đầu tư có quan tâm.

III. Nguyên nhân

Do ảnh hưởng của những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19; điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Do địa hình miền núi phức tạp, nằm xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, không có cảng biển, hàng không, cửa khẩu...

Thiếu quỹ đất sạch đón nhà đầu tư, hầu hết các dự án phải chờ giải quyết giải phóng mặt bằng.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022

I. Quan điểm, định hướng, mục tiêu

1. Quan điểm

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương thức thiết thực hiệu quả, tập trung vào ba khâu đột phá theo Nghị quyết của Đại hội: Một là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Hai là, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

[...]