Chương trình 04/CTr-UBND năm 2017 An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thái Bình đến năm 2020

Số hiệu 04/CTr-UBND
Ngày ban hành 11/04/2017
Ngày có hiệu lực 11/04/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Thị Lĩnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CTr-UBND

Thái Bình, ngày 11 tháng 4 năm 2017

 

CHƯƠNG TRÌNH

AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020.

Thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25/6/2015;

Thực hiện Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 05/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng Chương trình An toàn, vệ sinh lao động (viết tắt là ATVSLĐ) đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của Luật ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là người sử dụng lao động và người lao động về công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ;

- Thực hiện tốt việc cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động tạo điều kiện ngày càng có nhiều người lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo ATVSLĐ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng ngừa ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (viết tắt là TNLĐ, BNN), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp;

- Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực chẩn đoán, khám phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế tuyến huyện và cán bộ y tế của các doanh nghiệp;

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong việc chấp hành, thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong những ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động;

- Hàng năm tăng thêm từ 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trở lên áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, bước đầu xây dựng, hình thành văn hóa an toàn trong lao động;

- Trên 90% trở lên số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp tỉnh, huyện và trong Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ;

- Trên 70% trở lên số làng nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ;

- Trên 70% trở lên số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; trên 80% trở lên số người làm công tác ATVSLĐ người làm công tác y tế; 90% trở lên số an toàn, vệ sinh viên trong các doanh nghiệp được huấn luyện ATVSLĐ;

- Bình quân mỗi năm tăng 5% doanh nghiệp trở lên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 3% số doanh nghiệp và đơn vị y tế trở lên tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần; tăng 5% trở lên số người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 80% trở lên số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc của các doanh nghiệp được huấn luyện cập nhật về phương pháp sơ cứu, cấp cứu;

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện Chương trình ATVSLĐ trong 5 năm (2016-2020), trong quá trình triển khai các hoạt động có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở tỉnh. Chương trình được triển khai, thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Dự án 1: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ

+ Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố.

+ Các hoạt động chủ yếu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ của tỉnh (tập huấn, hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm), gồm:

- Đầu tư trang thiết bị để phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ: Quản lý, thống kê, lưu giữ về TNLĐ, BNN; quản lý và theo dõi các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, số người lao động làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác về ATVSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN;

[...]