Chương trình 01/CTr-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 56/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025

Số hiệu 01/CTr-UBND
Ngày ban hành 15/01/2021
Ngày có hiệu lực 15/01/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Trần Huy Tuấn
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CTR-UBND

Yên Bái, 15 tháng 01 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 56/NQ-HĐND NGÀY 16/12/2020 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH YÊN BÁI 5 NĂM 2021-2025

Căn cứ chỉ thị số 18/CT-TTG ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, kỳ họp thứ 20 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Chương trình hành động để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 -2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTG ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, kỳ họp thứ 20 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025 gắn với phân công trách nhiệm cụ thể theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian hoàn thành.

Chương trình hành động là khung nhiệm vụ trọng tâm để các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

2. Yêu cầu

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chỉ đạo của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.

Triển khai đầy đủ, toàn diện, kịp thời các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra cần đạt được trong 5 năm 2021-2025. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng Chương trình, kế hoạch phải bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Xác định, lựa chọn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá, có tác động trực tiếp đến nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, đơn vị mình; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn. Đề cao tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

Ngoài các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động số 10-CTR/TU ngày 30/10/2020 của tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ xix, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa xviii, kỳ họp thứ 20 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mục tiêu kép, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa quyết liệt thực hiện các mục tiêu, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung cao, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước diễn biến dịch bệnh. Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong phòng, chống dịch bệnh, chấp hành nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; nghiêm túc thực hiện cách ly y tế tập trung, theo dõi diễn biến sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định; nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, sẵn sàng các phương án cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, không để lây lan ra cộng đồng trong trường hợp xuất hiện ca bệnh trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.

2. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bền vững phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh

2.1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng

a) Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao; tập trung sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt/ha đất canh tác.

Xây dựng và ban hành các quy trình sản xuất, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành bảo đảm sát điều kiện thực tiễn. Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (vietgap, globalgap) gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, Ứng dụng công nghệ cao, quy mô hợp lý gắn với phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đẩy mạnh phát triển rừng, ưu tiên bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng kinh tế bằng giống tốt gắn với quản lý rừng bền vững; phát triển các vùng gỗ nguyên liệu tập trung tại các địa phương có điều kiện để bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ. Theo dõi diễn biến rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ khai thác gỗ rừng trồng. phấn đấu duy trì ổn định và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên mức 65%; có trên 40.000 ha rừng trồng gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; đưa Yên Bái trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của miền bắc.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn diện, đồng bộ, vững chắc; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó trên 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Văn Yên, Yên Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

b) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh có lợi thế và sức cạnh tranh trên thị trường. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn.

c) Sở kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương chủ động mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

2.2. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

a) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm nâng giá trị gia tăng gắn với vùng nguyên liệu và có dư địa phát triển, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện và bảo vệ môi trường; tích cực thu hút đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của các tập đoàn lớn; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư triển khai dự án bảo đảm tiến độ đề ra; phát huy tối đa công suất thiết kế.

Thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch tích cực cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, giảm tỷ trọng các ngành, sản phẩm công nghiệp khai khoáng; nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, chủ lực là công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến sâu nông lâm sản.

[...]