BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 9729/CT-BNN-KHCN
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 11
năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ
MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp
đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an
ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân cư, đời sống vật
chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Hệ thống hạ tầng nông thôn dần
được hoàn thiện; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; công tác
thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng dần được hình thành;
nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao thông qua
thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của
ngành thì vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng gia tăng.
Kết quả điều tra cho thấy, vấn đề môi trường bức xúc hiện
nay là: lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật; bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y,
phân bón sau sử dụng chưa được thu gom và xử lý triệt để; phát triển nuôi trồng
thủy sản nhiều nơi còn tự phát, không phù hợp với quy hoạch
và chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; thiếu các quy định về thu gom và xử
lý chất thải chăn nuôi; ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi có dấu hiệu gia
tăng; tiêu chí môi trường là tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp nhất trong 19 tiêu chí
xây dựng nông thôn mới.
Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức,
trách nhiệm của người sản xuất về bảo vệ môi trường còn thấp; đầu tư cho bảo vệ
môi trường chưa đúng mức; việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi
trường chưa nghiêm; bộ máy quản lý còn bất cập, phần lớn chỉ có cán bộ kiêm nhiệm;
tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều
nội dung chưa phù hợp với điều kiện của các vùng, miền hoặc
chưa cụ thể, khó đánh giá; công tác thanh tra, kiểm tra
môi trường chưa được chú trọng.
Nhằm giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn
gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chỉ thị các cơ quan, đơn vị:
1. Tăng cường công
tác tuyên truyền, vận động không chỉ với người sản xuất mà cả người tiêu dùng để
nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho
cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn.
2. Làm tốt công tác
phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm đến môi trường từ hoạt động sản xuất
nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Tổ chức thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện
và vận hành dự án. Tổ chức rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được
phê duyệt, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư,
nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh
kịp thời.
4. Tăng cường giám
sát, kiểm soát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo yêu cầu
cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh nông thôn và
các ngành kinh tế khác.
5. Tiếp tục thực hiện
các nhiệm vụ giao cho Bộ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi
trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản.
6. Triển khai thực
hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm việc
đánh giá tiêu chí môi trường trong xét duyệt xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
7. Tổ chức thực hiện
a) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát công
tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc
ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm
đến môi trường;
- Phối hợp với Vụ Kế hoạch và các đơn vị có liên quan xác định các chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch, dự án phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động
môi trường theo quy định. Đồng thời, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường
trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo môi trường
chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm
quyền của Bộ.
b) Cục Trồng trọt
- Tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng
phân hữu cơ; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm
phân bón hữu cơ; phổ biến, nhân rộng các mô hình canh tác
bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm
thiểu phát thải khí nhà kính; xây dựng các mô hình sử dụng
hiệu quả phân bón, giảm sử dụng phân bón hóa học;
- Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền
ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý phân bón hữu
cơ.
c) Cục Bảo vệ thực vật
- Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ
thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp
luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
- Đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao
gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
d) Cục Chăn nuôi
- Hướng dẫn, tuyên truyền và tập huấn
cho các tổ chức, cá nhân thu gom và xử lý chất thải chăn
nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra việc thực hiện xử lý chất
thải và bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành hướng
dẫn phương án bảo vệ môi trường trong khu chăn nuôi tập trung.
đ) Cục Thú y
- Đẩy mạnh công
tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải
trong giết mổ, sơ chế và chế biến động vật, sản phẩm động
vật; khuyến khích các cơ sở giết mổ áp dụng quy trình sản
xuất sạch hơn;
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ; công tác
quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh.
e) Cục Chế biến nông lâm thủy sản và
nghề muối
- Rà soát, xây dựng và trình ban hành
quy chuẩn kỹ thuật về chất thải của các cơ sở chế biến thủy sản; các công cụ
chính sách, pháp luật đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với chính sách, pháp luật về phát triển ngành nghề nông thôn;
- Tăng cường nhận thức cho tổ chức/cá
nhân để tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở chế
biến thủy sản.
g) Văn phòng điều phối Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các đơn vị liên quan hướng
dẫn triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tiêu chí
môi trường trong xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương
hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
h) Thanh tra Bộ
Chủ trì, phối hợp
với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
thanh tra môi trường các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
cao thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
i) Tổng cục Lâm
nghiệp
Tiếp tục triển khai lồng ghép các chỉ
tiêu và nội dung bảo vệ môi trường được giao cho Tổng cục
tại Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp và phát triển
nông thôn thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về bảo vệ rừng, sử dụng rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng,
làm tốt công tác dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đấu tranh có hiệu quả với
các hành vi khai thác rừng trái phép.
k) Tổng cục Thủy
sản
Hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực
hiện quản lý chất lượng thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường, điều kiện sản
xuất kinh doanh giống và chất lượng giống thủy sản; tập trung kiểm soát chất lượng nước cấp,
nước thải và chất thải trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường;
tiếp tục thực hiện các đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.
l) Tổng cục Thủy lợi
- Xây dựng cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về môi trường, quản lý xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi giữa các
ngành từ Trung ương đến địa phương để tránh chồng chéo; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng quy định
quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và các công trình thủy lợi;
- Tiếp tục triển khai các hoạt động
giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống thủy lợi trọng điểm để
phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
m) Các đơn vị khác thuộc Bộ: Căn cứ
vào chức năng, nhiệm vụ, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ
có liên quan.
n) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng:
- Hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ
chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, thu
gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thu gom và xử lý chất thải tại
các cơ sở chăn nuôi;
- Tích cực triển khai thực hiện tiêu
chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm việc đánh giá
tiêu chí môi trường trong xét duyệt đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên và báo cáo kết
quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) vào tháng 12
hàng năm./.
Nơi nhận:
- Các cơ quan,
đơn vị thuộc Bộ (để th/h);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, thành
phố;
- Lưu: VT, KHCN (NXK, 100b).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Xuân Cường
|