Chỉ thị 85-TB/TS4 năm 1958 về việc trợ cấp tiền tuất cho gia đình các liệt sĩ là cán bộ Dân, Chính, Đảng thoát ly do Bộ Thương Binh ban hành

Số hiệu 85-TB/TS4
Ngày ban hành 27/06/1958
Ngày có hiệu lực 12/07/1958
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh
Người ký Vũ Đình Tụng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ THƯƠNG BINH
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85-TB/TS4

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 1958 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRỢ CẤP TIỀN TUẤT CHO GIA ĐÌNH CÁC LIỆT SĨ LÀ CÁN BỘ DÂN, CHÍNH, ĐẢNG THOÁT LY

Kính gửi:   Các Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái Mèo, Hồng Quảng, thành phố, các tỉnh, khu vực Vĩnh Linh

Tiếp theo Chỉ thị số 789-TB/LS4 ngày 24-09-1957.

Nay Bộ ủy quyền cho các Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái Mèo, Khu Hồng Quảng, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh và khu vực Vĩnh Linh xét cấp tiền tuất cho gia đình các liệt sĩ là cán bộ Dân, Chính, Đảng thoát ly, theo thể thức như sau:

I. THỦ TỤC XÉT CẤP

1) Sau khi liệt sĩ đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công, gia đình còn những thân nhân chủ yếu đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, Ủy ban Hành chính hay Ty Thương binh được ủy quyền xét cấp tiền tuất căn cứ vào hồ sơ, thẩm tra và xác nhận là gia đình chưa được lĩnh khoản tổ chức nào coi như tiền tuất, thì xét tính tiền tuất và làm quyết định trợ cấp gia đình.

2) Việc thẩm tra để tránh cấp trùng cần làm rất thận trọng một mặt tra cứu trên các sổ sách đã chuẩn cấp từ trước, (sổ tra cứu) một mặt phải hỏi lại cơ quan cũ, địa phương, nguyên quán hay trù quán trước (mẫu giấy hỏi đính theo), vì nó nhiều trường hợp gia đình đã được trợ cấp theo điều 88 Sắc lệnh 76-SL thi hành đối với cán bộ từ trần, hoặc Nghị định 111-NĐ/LB ngày 11-11-1955 trợ cấp tai nạn lao động, cũng coi như tiền tuất, mà sổ tra cứu hiện nay không ghi.

3) Đối với những trường hợp hy sinh "đương nhiên là liệt sĩ" như hy sinh vì chiến đấu với địch, đấu tranh với địch bị địch giết bị địch bắt tra tấn, kiến quyết không khai báo rồi bị giết, dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm kiên quyết làm nhiệm vụ khi phục vụ tiền tuyến mà bị hy sinh. Nếu có tài liệu đầy đủ rõ ràng và xét thấy gia đình đủ tiêu chuẩn được cấp tiền tuất, thì có thể xét cấp tiền tuất trước khi cấp bằng Tổ quốc ghi công và giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

4) Quyết định trợ cấp tiền tuất cho gia đình các liệt sĩ là cán bộ Dân, Chính, Đảng thoát ly làm riêng theo mẫu đính sau. Nhưng địa phương đã được minh xét duyệt theo như công văn số 326-TB/LS4 ngày 22-04-1958 thì chỉ cần gửi Bộ một bản quyết định để báo cáo, các địa phương khác phải gửi Bộ hai bản quyết định để Bộ xét duyệt và trả lại một bản rồi mới phát theo như đã bổ khuyết.

II. - THỂ THỨC TÍNH TIỀN TUẤT

Tiền tuất cấp cho gia đình các liệt sĩ là cán bộ Dân, Chính, Đảng thoát ly, theo tinh thần Nghị định 1.060-TTg ngày 27-09-1956 và Thông tư 58-TB/LS4 ngày 10-10-1956, định từ 03 đến 12 tháng lương tùy theo thâm niên, chức vụ, theo chế độ lương ban hành ở Nghị định 650-TTg ngày 30-12-1955.

Để đơn giản cho việc xét cấp, khắc phục những khó khăn vì phần lớn liệt sĩ sinh thời chưa có sự sắp xếp ngạch bậc và không hưởng theo chế độ lương nói trên, tiêu chuẩn tiền tuất cụ thể ấn định như sau:

A. - Nếu liệt sĩ khi sinh thời giữ một chức vụ nhất định có ghi trong các thang lương ban hành năm 1955, hoặc một chức vụ tương đương, hoặc đã được sắp xếp và hưởng theo một bậc lương nhất định trong các thang lương đó, thì tiền tuất tính theo lương chính bản thân mà cấp từ 03 đến 12 tháng lương tùy theo thâm niên. Ví dụ:

1) Một liệt sĩ là Chủ tịch huyện thoát ly công tác tháng 06-1946, hy sinh tháng 06-1951, lương chính bản thân theo bậc 11/17 là 40.300đ, thâm niên 5 năm, tiền tuất cấp là: 40.300 x 5 = 201.500 đồng.

2) Một liệt sĩ là tỉnh ủy viên thoát ly công tác tháng 08-1945 hy sinh tháng 10-1952, lương chính bản thân theo bậc 10/17 là 44.200 thâm niên 7 năm, tiền tuất cấp 44.200 x 7 = 309.400 đồng.

3) Một liệt sĩ là cán bộ nghiên cứu đã được xếp bậc 12/17, thoát ly công tác tháng 08-1945, hy sinh tháng 08-1956, lương chính bản thân 36.400đ, thâm niên 11 năm, tiền tuất cấp 36.400 x 11 = 400.400đ.

Nếu liệt sĩ giữ một chức vụ lãnh đạo mà nay không biết thật cụ thể, thì dù chỉ biết là cán bộ lãnh đạo cấp Khu mà không rõ là bí thư khu hay Khu ủy viên, hay biết là cán bộ lãnh đạo tỉnh mà không rõ là bí thư, thường vụ hay Tỉnh ủy viên thì cán bộ lãnh đạo cấp khu tính là bậc 6, lãnh đạo cấp tỉnh tính là 9, lãnh đạo cấp huyện tính là 12 lãnh đạo cơ sở tính là 15.

B. - Nếu liệt sĩ hy sinh trước khi thi hành chế độ lương năm 1955, chức vụ, cương vị công tác không có quy định ở một bậc nhất định trong một thang lương nào, hoặc chỉ có quy định trong một khung ba bốn bậc, thì căn cứ vào chức vụ công tác khi hy sinh mà định tương đương với bậc nào trong thang lương hành chính theo tinh thần sắp xếp sau đây mà tính tiền tuất:

1) Cán bộ, nhân viên, công nhân, nói chung là cán bộ trình độ cơ sở của tất cả các ngành, tương đương từ bậc 17 đến bậc 15 thang lương hành chính, cấp tiền tuất thống nhất theo bậc trung bình là bậc 16/17, mỗi tháng lương là 27.560đ, thí dụ:

Một giao thông viên thoát ly năm 1946, hy sinh năm 1949 thâm niên 3 năm, tiền tuất cấp: 27.560đ x 3 = 82.680đ.

Một cán bộ phụ nữ huyện trình độ cơ sở thoát ly năm 1945, hy sinh năm 1949, thâm niên 4 năm, tiền tuất cấp: 27.560đ x 4 = 110.240đ.

Một nhân viên huyện trình độ cơ sở thoát ly năm 1950 hy sinh năm 1953, thâm niên 3 năm, tiền tuất cấp: 27.560đ x 3 = 82.680đ.

2) Cán bộ cấp huyện của các ngành cấp tiền tuất thống nhất theo bậc 14/17 sau ủy viên huyện một bậc, mỗi tháng lương là 31.200đ.

Thí dụ:

Một Trưởng phòng thông tin huyện thoát ly năm 1948, hy sinh năm 1951, thâm niên 3 năm tiền tuất cấp: 31.200đ x 3 = 93.600đ.

Một ủy viên chấp hành phụ nữ huyện thoát ly năm 1950, hy sinh năm 1953, thâm niên 3 năm tiền tuất cấp: 31.200đ x 3 = 93.600đ.

Một Quản đốc công binh xưởng trình độ sơ cấp, thoát ly năm 1945, hy sinh năm 1948, thâm niên 3 năm tiền tuất cấp: 31.200đ x 3 = 93.600đ.

[...]