Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Tờ trình số 1280 TM/XNK ngày 23/07/2002 của Bộ Thương mại về tờ trình kết quả họp giao ban để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2002

Số hiệu 1280TM/XNK
Ngày ban hành 23/07/2002
Ngày có hiệu lực 23/07/2002
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1280 TM/XNK

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2002

 

TỜ TRÌNH VỀ KẾT QUẢ HỌP GIAO BAN ĐỂ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2002

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3302/VPCP-KTTH ngày 14/6/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức giao ban để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, ngày 12/07/2002 vừa qua Bộ Thương mại đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành hữu quan như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thuỷ sản; đại diện một số tỉnh và thành phố như T.P Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương; các Tổng công ty 90, 91 và một số Hiệp hội ngành hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Tổng cục Hải quan không có đại diện đến dự. Tại Hội nghị, Bộ Thương mại đã báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch năm 2002; rà  soát tình hình triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cho phép thực hiện và nêu các kiến nghị cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực. Hội nghị về cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Thương mại. Bên cạnh đó, đại diện các Bộ, ngành,  các doanh nghiệp  và Hiệp hội ngành hàng đã nêu thêm một số kiến nghị, chủ yếu là nhằm khắc phục những vướng mắc trong việc triển khai các biện pháp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Trên cơ sở ý kiến Hội nghị, Bộ Thương mại xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

A. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2002:

1. Xuất khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,25 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2001 1. Nguyên nhân giảm sút là do xuất khẩu năm 2002 phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, nhất là những tháng đầu năm.

Căn cứ vào kết quả xuất khẩu 6 tháng, trước triển vọng tình hình kinh tế thương mại thế giới và trong nước trong những tháng cuối năm, Bộ Thương mại dự báo kim ngạch xuất khẩu trong quý III và quý IV năm nay sẽ có mức tăng trưởng rõ nét hơn so với cùng kỳ năm 2001. Tốc độ tăng trưởng luỹ kế sẽ nhích dần và có khả năng bắt đầu đạt mức tăng trưởng dương vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm 2002, song mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm nhiều khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu do Quốc hội khoá X đề ra. Sau khi rà soát khả năng xuất khẩu của từng mặt hàng chủ lực trong nửa cuối năm 2002 với các Bộ, ngành hữu quan, dự kiến sẽ phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2002 xuống còn 6,8% (tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16.050 triệu USD). Tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng để đạt được mục tiêu này vẫn cần có những cố gắng vượt bậc của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với  các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dầu thô, gạo, dệt may, giày dép...

Mặt hàng

Kim ngạch 6 tháng (triệu USD)

Dự kiến cả năm 2002 (triệu USD)

1. Thủy sản

816

2.100

2. Dầu thô

1.482

2.958

3. Dệt may

990

2.400

4. Giày dép

877

1.900

5. Gạo

343

626

6. Cà phê

137

274

7. TCMN

170

300

8. Rau quả

107

330

Tổng kim ngạch

7.250

16.050

2. Nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ, trong đó các mặt hàng vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất và khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng nhanh: các doanh nghiệp 100% vốn trong nước giảm, xấp xỉ như xuất khẩu; Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ giá đồng tiền trong nước ổn định, giá cả hàng hoá nhập khẩu trên thế giới giảm. Do xuất khẩu tăng trưởng âm nên 6 tháng đầu năm nhập siêu 1.154 triệu USD, bằng 15,9% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức nhập siêu khá lớn trong các năm gần đây. Những tháng cuối năm tình hình nhập siêu hy vọng sẽ được cải thiện do kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng trưởng ở mức cao hơn những tháng đầu năm.

B. VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU:

Ngay từ cuối năm 2001, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo hết sức sâu sát và quyết liệu đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Ngày 13/12/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2002. Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ về một số giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002 cũng đã dành  sự quan tâm  đặc biệt cho các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Tại Hội nghị, các đại biểu đã rà soát lại tình hình triển khai thực hiện những giải pháp đó và nêu một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng, trong đó một số kiến nghị đã được Bộ Thương mại và các Bộ, ngành hữu quan giải đáp ngay theo thẩm quyền. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, cụ thể như sau:

I. VỀ THƯƠNG MẠI:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg và Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP, ngay từ đầu năm 2002 Bộ Thương mại đã tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại và công tác thị trường. Cụ thể là đã tổ chức được  4 đoàn liên ngành đi khảo sát về xuất nhập khẩu tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Châu Phi và đang tiếp tục tổ chức đoàn đi Nhật với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp ngành hàng; đồng thời tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong việc theo dõi, nhận biết các rào cản phi quan thuế mới, các tình huống phức tạp nảy sinh để đề xuất biện pháp tháo gỡ như đối với xuất khẩu thủy sản vào EU và Hoa Kỳ, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc, xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Về cơ chế quản lý nhập khẩu, Bộ Thương mại đã xây dựng đề án áp dụng các công cụ quản lý nhập khẩu mới như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

Trong thời gian tới Bộ Thương mại sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan triển khai thực hiện thí điểm việc cử Tham tán kinh tế chuyên trách ngành  hàng theo Chỉ thị số 31/2002/CT-TTg, xây dựng đề án bổ sung cán bộ cho Đại diện thương mại Việt Nam tại một số bang có triển vọng tại Hoa Kỳ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3531/VPCP-KTTH ngày 28/06/2002.

2. Tiếp tục chỉ đạo các thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp của ta tìm kiếm khách hàng, thị trường.

3. Sớm ban hành cơ chế điều hành xuất khẩu hàng dệt may năm 2003 vào các thị trường có quy định hạn ngạch để các doanh nghiệp chủ động trong việc ký hợp đồng xuất khẩu.

4. Xúc tiến nhanh việc thành lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Hoa Kỳ, Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (Đu bai) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 301/CP-KTTH ngày 22/03/2002.

5. Làm việc với một số tỉnh biên giới để tiếp tục triển khai một số công việc sau khi tham gia hội chợ Côn Minh theo đề nghị của Sở Thương mại T.P Hồ Chí Minh.

6. Làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam về cơ chế xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung để đề xuất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

II. VỀ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG:

Thực hiện Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg và Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản để cụ thể hóa các chính sách tài chính, hỗ trợ xuất khẩu như Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 21/05/2002 về việc thưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2002; các văn bản hướng dẫn việc miễn, giảm  một số chi phí liên quan đến xuất khẩu trong năm 2002 như miễn thu lệ phí hạn ngạch xuất khẩu hàng hoá và lệ phí hải quan, lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hàng giày dép đi EU và lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, miễn thu phí, lệ phí kiểm dịch động vật, thực vật xuất khẩu. Quỹ hỗ trợ Phát triển cũng đã có văn bản số 167/HTPT-VNN về việc mở rộng đối tượng vay vốn tín dụng ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg bao gồm tất cả các thương nhân xuất khẩu các mặt hàng: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá, dệt may, giày dép vào tất cả các thị trường.

Trong thời gian tới, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, triển khai một số giải pháp sau:

a. Về tài chính:

[...]