Chỉ thị 46-HĐBT năm 1989 về việc bảo hộ và phát triển hàng sản xuất trong nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 46-HĐBT
Ngày ban hành 28/04/1989
Ngày có hiệu lực 13/05/1989
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-HĐBT

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO HỘ VÀ PHÁT TRIỂN HÀNG SẢN SUẤT TRONG NƯỚC

Trong hơn hai năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ nhằm phát triển sản suất tập trung vào ba chương trình kinh tế lớn; chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; xác định quyền tự chủ của cơ sở sản xuất; thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; gắn sản xuất với thị trường; gắn sản xuất trong nước với mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại... nền kinh tế nói chung, sản xuất công nghiệp nói riêng đã có bước phát triển nhất định.

Mặt khác, do mở rộng kinh tế đối ngoại, việc giao lưu hàng hoá giữa nước ta với các nước láng giềng đã và đang tăng lên nhanh chóng, do đổi mới chính sách nhập khẩu phi mậu dịch, hàng ngoại đã và đang nhập về càng ngày càng nhiều.

Do đó, hàng hoá nói chung, đặc biệt là hàng tiêu dùng trên thị trường thời gian gần đây đã tăng thêm về số lượng, một số mặt hàng có khá hơn về chất lượng, phong phú hơn về chủng loại, kiểu cách; quan hệ giữa cung và cầu trong nhiều loại mặt hàng đã bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được đang nổi lên một số vấn đề cần chấn chỉnh, khắc phục.

Hàng công nhiệp sản xuất trong nước, trong có hàng tiêu dùng tuy có được tăng thêm về số lượng, chủng loại nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nói chung vẫn còn xấu về hình thức và độ bền, giá còn đắt. Sản xuất được "bung ra" nhưng quản lý không chặt nên hàng giả lưu hành nhiều trên thị trường. Mặt khác trong những chính sách cụ thể nhằm thực hiện chủ trương mở của còn có một số sơ hở và không đồng bộ nên thời gian qua quá nhiều cửa khẩu xuất nhập được hình thành mà chưa có cơ chế giám sát, quản lý thích hợp, đặc biệt là ở các tỉnh gần biên giới Tây Nam. Do vậy hàng ngoại, từ nhiều nguồn, nhập về ngày càng nhiều, không được kiểm soát chặt, không có chính sách thích đáng nên đã và đang cạnh tranh gay gắt, từng bước đang lấn át hàng sản xuất trong nước, dẫn đến nhiều loại hàng sản xuất ra rất khó tiêu thụ hoặc không tiêu thụ được, hàng ứ đọng tồn kho ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc quay vòng vốn bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của nhiều cơ sở sản xuất.

Để khắc phục tình hình này, một mặt phải có chính sách, biện pháp giúp đỡ, thúc đẩy sản xuất hàng công nghiệp trong nước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; mặt khác, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách mở rộng giao lưu với thị trường bên ngoài phải có chính sách, cơ chế bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

Để thực hiên được chủ trương này, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất các mặt hàng công nghiệp, trước hết là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng đang bị hàng ngoại lấn át, phải hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ các cơ sở sắp xếp lại sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tăng nhanh được sản lượng, chủng loại mặt hàng, cải tiến và nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Các cơ sở sản xuất phải rà soát lại dây chuyền công nghệ, sắp xếp bố trí lại sản xuất cho phù hợp, đầu tư chiều sâu để đồng bộ hoá sản xuất, từng bước đổi mới thiết bị và kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho người lao động. Mặt khác, phải tạo điều kiện để sản xuất thực sự gắn với thị trường, lấy nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cần thông qua hình thức hội thảo giữa các nhà sản xuất, giữa nhà sản xuất với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để bàn bạc trao đổi kinh nghiệm, hiến kế tìm ra những giải pháp tối ưu nhằm đạt được mục đích nói trên. Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm, không kể thuộc thành phần kinh tế nào; mở rộng khả năng sản xuất ngày càng nhiều những sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá bán hạ hơn, được thị trường chấp nhận.

Mặt khác, các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất công nghiệp phải phân loại, xác định ngay một số mặt hàng thuộc ngành mình phụ trách, thời gian qua đã sản xuất ổn định với khối lượng lớn đủ đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng hiện đang bị hàng ngoại cạnh tranh về giá cả, chất lượng nên có nguy cơ bị đình đốn, trong khi, với những điều kiện sản xuất hiện có chưa thể sớm tạo ra chuyển biến đột xuất về năng suất, chất lượng giá thành đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đối với những mặt hàng này, các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất phải phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có cửa khẩu biên giới bàn bạc thống nhất chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước (có thể ban hành những thông tư liên Bộ, giữa Bộ với địa phương về vấn đề này) . Đặc biệt, đối với một số mặt hàng loại này đang có nguy cơ đình đốn sớm do không cạnh tranh nổi với hàng ngoại như phân lân, than, hàng chế tạo máy. . . có thể kiến nghị Nhà nước có chính sách trợ giá để giúp đỡ sản xuất.

2. Bộ Công nghiệp nhẹ, với chức năng quản lý Nhà nước nhiều ngành hàng công nghiệp, phối hợp với Bộ Nội thương và các ngành có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chính sách tiêu dùng trong những năm tới. Chính sách tiêu dùng phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

- Tiêu dùng phải phù hợp với khả năng và điều kiện sản xuất trong nước, đồng thời sản xuất phải gắn với thị trường, tìm hiểu và thấu đáo nhu cầu và thị hiếu của mọi đối tượng để vươn lên đáp ứng ngày càng tốt hơn.

- Tiêu dùng tiết kiệm, coi đây vừa là yêu cầu của phát triển kinh tế vừa là đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa. Việc tiết kiệm tiêu dùng phải được quán triệt trong mọi cấp, mọi ngành, trong các tầng lớp nhân dân phải được thực hiện bằng chính sách phù hợp nhằm điều tiết tiêu dùng theo phương hướng hợp lý, tiến bộ... Tiêu dùng tiết kiệm vừa tạo điều kiện tăng cường tích luỹ, phát triển sản xuất vừa làm giảm bớt sự căng thẳng giữa cung và cầu, góp phần ổn định thị trường, ổn định giá cả...

- Tiêu dùng tiến bộ, văn minh, thể hiện trình độ văn hoá, kết hợp giữa truyền thống dân tộc với yêu cầu hiện đại, văn minh, khắc phục tư tưởng đua đòi, chạy theo thị hiếu không lành mạnh; không phù hợp với bản chất người Việt Nam, đồng thời tiếp thu chọn lọc những phương thức tiêu dùng khoa học, tiện nghi, hợp lý nhằm hiện đại hoá tiêu dùng.

- Tiêu dùng phù hợp với kết quả lao động. Người làm nhiều, có thu nhập cao được tiêu dùng nhiều, người làm ít, thu nhập thấp thì tiêu dùng ít hơn. Cần phân biệt rõ và có biện pháp thoả đáng giữa những người có thu nhập cao được tiêu dùng cao một cách hợp lý, chính đáng với những đối tượng có thu nhập cao quá đáng do làm ăn phi pháp đang tiêu xài hưởng thụ một cách vô lý những kết quả của người lao động.

3. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất công nghiệp và các ngành liên quan khác nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chính sách quốc gia về chất lượng sản phẩm. Rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh những tiêu chuẩn quốc gia đối với từng loại sản phẩm và đề ra những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm hàng hoá đưa ra thị trường trước hết là những sản phẩm thiết yếu đối với nhu cầu xã hội, những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và sự an toàn của người sử dụng, những sản phẩm xuất khẩu.

Các cơ sở sản xuất phải đăng ký nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm tại cơ quan đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đối với những loại sản phẩm đòi hỏi có kỹ thuật cao, có giá trị lớn phải có bảo hành thời gian sử dụng. Phải làm cho người sản xuất có ý thức bảo vệ danh dự của cơ sở, của ngành và của dân tộc trong chất lượng sản phẩm; hạn chế dần, tiến tới loại bỏ khỏi thị trường những sản phẩm có chất lượng xấu, nghiêm khắc xử lý những người sản xuất và lưu thông hàng giả.

4. Bộ Kinh tế đối ngoại với chức năng quản lý Nhà nước toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu phải vươn lên quản lý được cả những mặt hàng xuất nhập khẩu theo Nghị định thư và những mặt hàng xuất nhập khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội thương và các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất công nghiệp và các Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cửa khẩu nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chính sách đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu theo nguyên tắc:

- Cho phép nhập khẩu những loại hàng công nghiệp thuộc nhu cầu thiết yếu trong nước chưa sản xuất được, sản xuất chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

- Hạn chế hoặc không nhập những loại hàng công nghiệp trong nước đã đủ đáp ứng nhu cầu xã hội về số lượng và chất lượng phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu dùng của đại đa số nhân dân, những mặt hàng xa xỉ.

- Ngăn cấm việc nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng phục vụ thị hiếu không lành mạnh, lối sống sa đoạ, truỵ lạc, mê tín, dị đoan.

Trước mắt, Bộ Kinh tế đối ngoại phối hợp với các cơ quan Nhà nước có quản lý các Công ty xuất, nhập khẩu của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất, nhập hàng hoá rà soát lại kế hoạch, các đơn hàng xuất, nhập khẩu, giấy phép xuất nhập khẩu và phối hợp điều tra nắm lại tình hình xuất, nhập khẩu ở các cửa khẩu xuất, nhập để tiến hành phân loại những mặt hàng có thể cho nhập khẩu rộng rãi, những mặt hàng cần hạn chế hoặc cấm nhập khẩu để triển khai thực hiện ngay trong năm 1989.

5. Bộ Nội thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đề ra những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết nhằm quản lý tốt đựơc thị trường, ngăn chặn các tuyến buôn lậu, những mặt hàng trốn thuế, những mặt hàng cấm nhập, những hàng giả...

Trong tình hình hiện nay, tạm thời cho phép lập một số trạm kiểm soát trên các tuyên đường chính từ các cửa khẩu biên giới về các tỉnh đồng bằng và Thủ đô Hà Nội để thực hiện được nhiệm vụ trên, nhưng tuyệt đối không được gây khó khăn, sách nhiễu đối với đi lại, buôn bán bình thường của nhân dân.

6. Bộ Tài chính phối hợp với các ngành có liên quan dựa trên cơ sở Pháp lệnh thuế xuất, nhập khẩu bổ sung mới ban hành và thực tế thị trường hàng hoá trong nước hiện nay, rà soát và hoàn chỉnh chính sách thuế đối với hàng công nghiệp nhập khẩu trong các dự luật thuế mới. Dùng chính sách thuế để điều tiết số lượng, chủng loại và giá cả đối với từng loại hàng công nghiệp nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước và tăng thu cho ngân sách. Qua thực tế triển khai cần rút ra những điểm cần kiến nghị Nhà nước bổ sung, điều chỉnh chính sách thuế xuất, nhập khẩu hiện hành, nếu thấy cần thiết.

Trước mắt, Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan thống nhất các hình thức, biện pháp bảo đảm thực hiện tốt việc thu thuế đúng chính sách đối với các loại hàng nhập khẩu. Nghiên cứu sử dụng nhiều hình thức thu thuế khác nhau nhằm đảm bảo chống thất thu đối với các loại hàng nhập. Đối với một số mặt hàng có thể sử dụng hình thức thuế tem, với những mặt hàng này, chỉ khi đã có dán tem thuế mới được phép lưu hành trên thị trường.

7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới và cửa khẩu cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, Bộ Nội vụ và Bộ Kinh tế đối ngoại có kế hoạch và biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả các tuyến buôn lậu và thực hiện đúng đắn chính sách của Nhà nước đối với hàng xuất, nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới theo tinh thần các chỉ thị đã ban hành của Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

[...]