Chỉ thị 34/2006/CT-UBND giảm văn bản, giấy tờ và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu | 34/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/10/2006 |
Ngày có hiệu lực | 26/10/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Nguyễn Hoàng Sơn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2006/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 16 tháng 10 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢM VĂN BẢN, GIẤY TỜ VÀ CHẤN CHỈNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đơn giản hoá các thủ tục trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23/3/2006 về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ truởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một tập trung chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung của Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23/3/2006 và Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ cho toàn thể cán bộ, công chức và viên chức trong cơ quan, đơn vị biết và thực hiện. Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác giáo dục, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức và viên chức trong thực thi các nhiệm vụ được giao; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
2. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế nội bộ của cơ quan mình và của các tổ chức, đơn vị trực thuộc, như: Quy chế làm việc, Quy chế về công tác văn thư - lưu trữ, Quy trình xử lý công việc. Chú trọng cải tiến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng; loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, loại giấy tờ bất hợp lý, không thật cần thiết và trái quy định.
Niêm yết công khai trình tự thủ tục, mẫu biểu, thời gian xử lý, phí và lệ phí (nếu có) cho từng loại công việc và họ tên, chức vụ của cán bộ, công chức và viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết từng công việc; công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để công dân, doanh nghiệp liên hệ khi cần. Kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, công chức và viên chức phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ.
3. Về công tác soạn thảo và phát hành văn bản:
Tiếp tục thực hiện đúng Quyết định số 141/2005/QĐ-UBND ngày 25/7/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế về trình tự thủ tục soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 33/2005/CT-UBND ngày 04/7/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thể thức và kỹ thuật trình bày các loại văn bản, giấy tờ hành chính theo Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ việc sao, gửi các loại văn bản, giấy tờ hành chính trong nội bộ cũng như ra ngoài cơ quan, đơn vị mình theo tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo chỉ phát hành văn bản đến cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trực tiếp nội dung văn bản; không gửi văn bản vượt cấp và không gửi văn bản đến cơ quan, tổ chức và cá nhân khác để biết hoặc để tham khảo.
4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một khẩn trương chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan, đặc biệt là những khâu công việc cần trao đổi thông tin trong nội bộ đơn vị và giữa các đơn vị với nhau; từng bước thay thế cho việc dùng văn bản, giấy tờ hành chính trong truyền đạt thông tin, giảm lượng văn bản, giấy tờ phải in, sao và phát hành.
Đối với các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã đã có kết nối vào hệ thống mạng tin học của Uỷ ban nhân dân tỉnh (Đề án 112) thì phải kịp thời ứng dụng việc gửi, trao đổi và xử lý văn bản, giấy tờ hành chính thông qua mạng tin học diện rộng này; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tiến tới thực hiện trao đổi và xử lý văn bản, giấy tờ hành chính chủ yếu qua mạng tin học quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh.
Sử dụng mạng tin học nội bộ để khai thác, cập nhật các văn bản của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh phục vụ cho việc tra cứu của cán bộ - công chức, nhằm hạn chế dần tình trạng sao chụp văn bản như hiện nay.
5. Sở Nội vụ tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt Quyết định số 190/2006/QĐ-UBND ngày 08/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2006-2010) và các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đối với công tác cải cách thủ tục hành chính.
6. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh:
- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ tin học để ứng dụng trong thực thi nhiệm vụ hàng ngày nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác được giao.
- Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành lên mạng tin học diện rộng nhằm phục vụ cho các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, doanh nghiệp tra cứu, hạn chế dần tình trạng sao chụp văn bản để gửi đến các đơn vị. Chuẩn bị điều kiện để tiến tới xuất bản công báo điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh vào năm 2007.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành quy chế về xử lý thông tin và quản lý điều hành hành chính Nhà nước thông qua mạng tin học diện rộng của tỉnh (Đề án 112).
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một về việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hàng quý, năm.
7. Thủ truởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai và thực hiện nội dung các Chỉ thị trên. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc quyền cản trở hoặc không chấp hành đúng các quy định làm ảnh hưởng đến quá trình cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |