Chỉ thị 31/CT.UB năm 1992 về công tác xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 31/CT.UB
Ngày ban hành 23/10/1992
Ngày có hiệu lực 23/10/1992
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Phú Hội
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/CT.UB

Long Xuyên, ngày 23 tháng 10 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC XÓA NẠN MÙ CHỮ VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC

Từ nhiều năm qua, tỉnh ta đã chú ý thực hiện nhiệm vụ chống nạn mù chữ (CNMC) và phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí bắt kịp với đà phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Song mức độ tiến hành còn chậm chưa có sự tập trung cao, số người mù chữ còn nhiều; trẻ em thất học không đến trường ngày càng đông hơn. Tỷ lệ lưu ban, bỏ học ngày càng cao làm trở ngại tiến trình XMC - PCGD - PT trong tỉnh.

Để thực hiện tốt Luật phổ cập tiểu học và Chỉ thị 01-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, hưởng ứng cùng cả nước quyết tâm xóa nạn mù chữ cho nhân dân trong độ tuổi 15 - 35, đồng thời PCGD-TH cho trẻ em từ 6 - 14 tuổi từ nay đến trước năm 2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. UBND Huyện, thị thành lập ngay Ban chỉ đạo CNMC - PCGD - TH theo tinh thần Chỉ thị 01/HĐBT. Nơi nào thành lập rồi cần củng cố lại. Ban chỉ đạo phải thực sự đi vào hoạt động có kế hoạch, phân công từng thành viên chịu trách nhiệm XMC - PCGD-TH trên từng địa bàn cụ thể.

- Phòng Giáo dục Huyện, thị là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Huyện, thị, thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình và báo cáo kết quả hàng tháng về các Ban chỉ đạo huyện, tỉnh để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.

2. Các cơ ngành, Đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh doanh, các đơn vị lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng cần:

- Triển khai đến từng thành viên quán triệt tinh thần Chỉ thị 01.

- Kêu gọi mọi người trong tổ chức tích cực tham gia vận động đưa người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số các lớp học đến nơi đến chốn.

- Có thể ký hợp đồng với ngành giáo dục tự đứng ra tổ chức người dạy và người học, ngành giáo dục chi kinh phí theo quy định.

3. Các ngành thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương xóa mù chữ PCGD-TH của tỉnh để kêu gọi toàn xã hội tham gia diệt dốt và chống thất học.

4. Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục công tác điều tra hiện trạng giáo dục số xã còn lại. Giao cho các trường tiểu học trực tiếp chịu trách nhiệm việc CNMC-PCGD-TH trên địa bàn (Khóm, ấp) được phân công phụ trách và báo cáo về trên để xin kiểm tra công nhận khi đơn vị được hoàn thành.

5. Trong tình hình cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên tiểu học còn thiếu nhiều, tỉnh cho phép các địa phương mở rộng các lớp dân lập, các lớp tư, học phí do đôi bên cha mẹ học sinh và giáo viên thỏa thuận. Ngành giáo dục địa phương có trách nhiệm quản lý việc thực hiện chương trình của các lớp này.

Việc thực hiện chống nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học của tỉnh ta có tầm quan trọng đặc biệt và cũng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của mọi ngành, mọi giới, nhất là sự lãnh chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

UBND các huyện, thị, các sở ban ngành cần quan tâm thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh
- UBND các huyện, thị
- Lưu

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Phú Hội