Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2023 tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 29/CT-UBND
Ngày ban hành 21/12/2023
Ngày có hiệu lực 21/12/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Phạm Đình Nghị
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Nam Định, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 12/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức tết Giáp Thìn 2024.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp tết Nguyên đán, tạo khí thế, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành, đơn vị, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Sở Công thương

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp. Các loại hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả hợp lý phục vụ Nhân dân.

b) Theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu có phương án đảm bảo việc cung ứng xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho Nhân dân.

c) Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước về bình ổn thị trường hàng hóa; kiểm soát thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh: (Ban chỉ đạo 389/ĐP, thường trực là Cục quản lý thị trường)

a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, người dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết,...chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.

b) Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú ý, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; đồng thời công khai kết quả kiểm tra và xử lý các vi phạm của lực lượng quản lý thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh và kịp thời tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

3. Sở Tài chính

a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá; không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; đồng thời công bố, công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.

b) Quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước và tài sản công; trong đó ưu tiên đảm bảo chế độ theo quy định cho các đối tượng chính sách trước tết Nguyên đán.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân; chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai nhất là rét đậm, rét hại, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò, bảo đảm ổn định sản xuất. Duy trì nghiêm công tác trực, chủ động lấy đủ nước theo Thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống rét và tổ chức gieo mạ, bảo vệ mạ, cấy lúa Xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

b) Phối hợp với Sở Công thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau tết Nguyên đán 2024, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan.

c) Chủ động kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê sông, đê biển sau mùa mưa bão theo quy định.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương

a) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo và đối tượng chính sách khác theo quy định trước tết Nguyên đán. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lắp, chồng chéo, không để trục lợi chính sách; đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.

b) Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm theo quy định. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; theo dõi, kiểm tra việc chi trả tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm kịp thời, đầy đủ cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trước và sau tết Nguyên đán.

c) Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm tất cả trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong dịp Tết; hướng dẫn bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm và hoạt động văn hóa, thông tin, giải trí, đồ chơi độc hại,...

d) Quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở cai nghiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn tập thể, phá hoại tài sản, cơ sở vật chất, gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội trong dịp tết Nguyên đán.

6. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương

a) Tăng cường phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

b) Triển khai kế hoạch và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong dịp Tết...

c) Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm; có phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ