Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2014 đẩy mạnh thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công, viên chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu | 28/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/11/2014 |
Ngày có hiệu lực | 19/11/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Lê Thanh Cung |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-UBND |
Bình Dương, ngày 19 tháng 11 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN VIỆC ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/02/2009 về việc thực hiện các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện việc rà soát danh sách đối tượng, chức danh thuộc diện chuyển đổi đồng thời thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, đảm bảo về số lượng, chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý của tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, có trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng bộ và thường xuyên; công tác chỉ đạo thực hiện, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc chưa kịp thời; còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ và chuyển đổi vị trí công tác. Ngoài ra, công tác này cũng còn hạn chế do việc bố trí biên chế chưa phù hợp với vị trí việc làm tại một số cơ quan, đơn vị; một số trường hợp phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác và quy định về đối tượng, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chưa đảm bảo thuận lợi trong việc áp dụng cũng như điều kiện thực tế của từng ngành.
Để chấn chỉnh những hạn chế trong thời gian qua, đồng thời để thực hiện tốt quy định của pháp luật về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh,Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung của việc chuyển đổi; tăng cường trách nhiệm trong việc đẩy mạnh thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) thực hiện đồng bộ quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ.
2. Thực hiện rà soát, thống nhất xác định, bổ sung danh mục các vị trí công tác thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải định kỳ chuyển đổi trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở bảo đảm phù hợp theo quy định và tình hình thực tế. Chủ động xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị theo định kỳ và báo cáo kết quả hàng năm với UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ). Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác phải khách quan, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải đúng nguyên tắc hoán vị, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong nội bộ và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập công chức, viên chức.
3. Đối với các sở ngành: Nội vụ, Thanh tra, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải có trách nhiệm hướng dẫn cho công chức, viên chức và các đơn vị trực thuộc xây dựng danh mục vị trí công tác cần chuyển đổi và thực hiện việc định kỳ chuyển đổi theo quy định của Bộ, ngành chủ quản.
4. Đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Thống kê, Thi hành án dân sự) hàng năm có báo cáo số liệu về việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của đơn vị mình về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, báo cáo kết quả việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND cùng cấp theo dõi, chỉ đạo và báo cáo tình hình thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác về Sở Nội vụ theo quy định; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh và báo cáo về Bộ Nội vụ theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |