Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 28/2011/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 28/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 25/10/2011
Ngày có hiệu lực 04/11/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2011/CT-UBND

Nghệ An, ngày 25 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tai nạn giao thông trong 8 năm qua (2003 - 2010) liên tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; xe khách phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ sai quy định; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang gây ùn tắc giao thông...; tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2011 tăng cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là sự chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nhìn chung còn yếu, kém, lỗi cố ý vi phạm xảy ra nhiều; mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nhưng chưa có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ- CP ngày 29/6/2007 và triển khai Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011, Công văn số 1702/TTg-KTN của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp.

a) Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia; ban hành quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý nghiêm người vi phạm không phân biệt là cán bộ hay nhân viên;

b) Gắn tiêu chí thi đua khen thưởng với việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong từng cơ quan, đơn vị; tuỳ theo mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên để có biện pháp xử lý theo quy định, nếu cố ý tái phạm thì tổ chức kiểm điểm và thông báo về nơi cư trú của người vi phạm. Người bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông không được xem xét khen thưởng trong năm.

c) Người đứng đầu, người chịu trách nhiệm về lĩnh vực an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để địa bàn, phạm vi quản lý gia tăng tai nạn giao thông thì không xem xét đề xuất khen thưởng trong năm đó. Địa phương nào để tai nạn giao thông tăng (số vụ, số người chết) phải tổ chức kiểm điểm trước HĐND cùng cấp và Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông:

a) Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu kiện toàn Ban An toàn giao thông tỉnh theo hướng nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông;

b) Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện “Năm an toàn giao thông 2012” gắn với các nội dung Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

c) UBND các huyện, thành, thị, các Sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng; từng ngành, từng địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý.

- Kiện toàn Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị (cấp huyện) do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND làm Phó ban Thường trực, Trưởng Công an huyện làm Phó ban, các thành viên là trưởng các phòng ban, ngành liên quan (hoàn thành trước ngày 15/11/2011); chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

- Giao trách nhiệm giám sát việc vi phạm trật tự an toàn giao thông cho các tổ dân cư, khối, xóm, thôn, bản; phường, xã, thị trấn;

d) Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định một số biện pháp mạnh về tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn và kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông trên địa bàn Nghệ An.

e) Rà soát lại quy định của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực có liên quan đến an toàn giao thông, như: quy hoạch cấp phép, xây dựng, quản lý cấp đất đai, quản lý vận tải, quản lý giao thông, xử lý vi phạm… để chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

3. Công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật

a) Ban an toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh các đợt tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ra quân phát động hưởng ứng về chấp hành luật giao thông với nhiều hình thức phong phú, đến tận phường, xã, khối, xóm gắn với các chế tài xử phạt với từng hành vi cụ thể, nhất là tuyên truyền về văn hoá giao thông, tác hại của lạm dụng rượu, bia, nguy cơ và hậu quả tai nạn giao thông do nguyên nhân từ rượu, bia; bắt buộc đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, tranh cổ động...

b) Tiểu ban tuyên truyền pháp luật giao thông - Sở Tư pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật về vi phạm an toàn giao thông, phòng chống uống rượu, bia, hậu quả và các quy định xử lý vi phạm uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; an toàn giao thông cho các bến đò, quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa; an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và tại các đường ngang dân sinh; tuyên truyền hậu quả tai nạn do vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định...

c) Sở Thông tin - Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng theo từng nội dung, chuyên mục quy định cụ thể, sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng thông qua các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, từ phường, xã, thôn, bản; chỉ đạo các báo địa phương đồng loạt đưa tin tuyên truyền, sử dụng hệ thống truyền thanh ở xã, phường, khối xóm vào công tác tuyên truyền, nhất là tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ và an toàn xã hội; nguy cơ và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia; về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy... Gắn hành vi vi phạm với các chế tài xử phạt cụ thể để phục vụ giáo dục, răn đe;

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, chú trọng về chất lượng giảng dạy và việc rèn luyện về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong từng nhà trường, cấp học.

- Chỉ đạo các trường học phối hợp với các gia đình, địa phương, các tổ chức đoàn thể giáo dục học sinh chấp hành nghiêm Luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe…; tổ chức ký và lưu giữ bản cam kết giữa học sinh, nhà trường và gia đình, đồng thời gửi 01 bản về khối, xóm, thôn, bản; việc ký cam kết phải xong trước ngày 31/12/2011.

- Phải gắn việc chấp hành luật giao thông để xem xét, đánh giá tiêu chuẩn xếp loại hàng năm đối với giáo viên và phân loại hạnh kiểm đối với học sinh, sinh viên. Hiệu trưởng các trường phải xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm khi có thông báo của ngành Công an; hàng tuần tổ chức kiểm điểm phê bình học sinh vi phạm trong giờ chào cờ; hàng tháng thông báo về gia đình và khối xóm nơi cư trú. Sở Giáo dục & Đào tạo tổng hợp báo cáo tình hình xử lý vi phạm về Ban An toàn giao thông tỉnh.

e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với ngành liên quan xây dựng và phổ biến rộng rãi các tiêu chí về “Văn hóa giao thông”; thực hiện việc quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện giao thông.

g) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo đưa tiêu chí xây dựng văn hoá giao thông vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ cơ sở (khối, xóm, thôn, bản).

h) UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo lấy Tổ dân cư, các tổ chức đoàn thể làm nơi thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở người vi phạm như: Điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông, chống người thi hành công vụ… Đối với các trường hợp tái phạm thì tổ chức kiểm điểm và yêu cầu gia đình ký cam kết không tái phạm. Gia đình nào có người vi phạm sau khi đã nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì gia đình đó không được xếp loại gia đình văn hóa.

[...]