Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2011 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 27/CT-UBND
Ngày ban hành 17/11/2011
Ngày có hiệu lực 17/11/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Trịnh Văn Chiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm; việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao còn chậm, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định; vẫn còn tình trạng chờ văn bản giao việc hoặc đôn đốc mới triển khai thực hiện; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tham mưu, giải quyết công việc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân; chế độ, chất lượng thông tin, báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương và của tỉnh.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức về trách nhiệm và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức, kể cả lãnh đạo một số ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ, công chức có lúc, có nơi còn buông lỏng; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục; văn hoá ứng xử, đạo đức công vụ một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, tạo bước chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan hành chính trong tỉnh, góp phần xây dựng nền hành chính lành mạnh, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị) tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Quyết định số 2292/2011/QĐ-UBND ngày 15/7/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016; các văn bản pháp luật có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công sở, đạo đức công vụ,... gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

2. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định và tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết công việc theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác của cơ quan, đơn vị mình trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, chậm trễ, tiêu cực khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân; xử lý kịp thời, nghiêm minh cá nhân vi phạm; kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, nhất là các vụ việc bức xúc, phức tạp, kéo dài.

3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính theo quy định, đảm bảo đơn giản về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý trực tiếp của cơ quan, đơn vị để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát thực hiện.

4. Rà soát, điều chỉnh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, bảo đảm không chồng chéo về chức năng, không bỏ sót nhiệm vụ; rà soát, điều chỉnh quy chế làm việc, phân công tác theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức và đảm bảo mỗi việc phải có người phụ trách, chịu trách nhiệm chính.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình công tác của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; hoạt động công vụ của cán bộ, công chức; việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tự đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân.

6. Tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, những việc cán bộ, công chức không được làm theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02 năm 2007 của Bộ Nội vụ.

7. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức phát huy trách nhiệm, năng lực, tính chủ động, sáng tạo khi giải quyết công việc; khuyến khích cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các cán bộ, công chức có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

8. Thực hiện nghiêm túc chế độ họp được quy định trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh, đảm bảo đúng thành phần, thời gian quy định, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị để nâng cao chất lượng cuộc họp và giảm hội họp. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được mời dự họp phải chuẩn bị ý kiến tham gia về các nội dung có liên quan. Đối với cuộc họp tập thể UBND tỉnh hoặc cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được mời họp phải tham dự đầy đủ, không được cử cấp phó đi thay, trường hợp có lý do chính đáng, không tham dự họp phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.

9. Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ thông tin, báo cáo theo Quyết định số 1049/2003/QĐ-UBND ngày 01/04/2003 của UBND tỉnh. Việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng; tăng cường trao đổi, khai thác thông tin, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị. Việc ký gửi văn bản phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 545/UBND-TH ngày 18/02/2009.

10. Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các sở, ban, ngành, địa phương không thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, chế độ thông tin, báo cáo, hội họp và ký, gửi văn bản theo quy định. Đối với hồ sơ, văn bản trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mà không đảm bảo thủ tục quy định, không đảm bảo chất lượng hoặc đề nghị giải quyết công việc không đúng thẩm quyền, Văn phòng UBND tỉnh phải trả lại hồ sơ, văn bản và yêu cầu cơ quan, đơn vị trình, bổ sung đầy đủ theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này và định kỳ sáu tháng, hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh qua Sở Nội vụ.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ sáu tháng, hàng năm, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để b/cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh (để th/hiện);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (để th/hiện);
- Bí thư Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ;
- Lưu: VT, THKH (02).

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ