Chỉ thị 27/2006/CT-UBND về thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 27/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 21/08/2006
Ngày có hiệu lực 31/08/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 21 tháng 8 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước và xã hội tình hình đời sống người tàn tật của tỉnh nhà đã phần nào được cải thiện, hầu hết người tàn tật còn khả năng lao động đều có nguyện vọng được học nghề và có việc làm phù hợp và ổn định để có điều kiện phấn đấu vươn lên, hoà nhập cùng cộng đồng và xã hội.

Thực hiện Bộ Luật Lao động, Pháp lệnh về người tàn tật, Nghị định 81/CP ngày 23/11/1995, Nghị định 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thực hiện các Nghị định nói trên, trong đó có quy định rõ: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu đều phải nhận một tỷ lệ lao động là người tàn tật vào làm việc. Đối với doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp nặng là 2% và đối với doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác là 3% tổng số lao động của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nhận thấp hơn tỷ lệ quy định trên thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định nhân với số người còn thiếu.

Nhằm giúp cho việc thực thi những văn bản trên có hiệu quả; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh và các địa phương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật.

- Phối hợp Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư xây dựng quy chế thành lập và sử dụng quỹ học nghề, tạo việc làm cho người tàn tật và lập kế hoạch thu chi của Quỹ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

- Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp xây dựng dự án, đồng thời kiểm tra, thẩm định các dự án cấp vốn hỗ trợ, vay vốn từ Quỹ, dự án hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho người tàn tật.

- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định mức hỗ trợ, cho vay đối với các dự án xin cấp vốn hỗ trợ và vay vốn của các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp về kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tàn tật.

- Quyết toán thu, chi hàng năm của Quỹ và báo cáo tình hình về vốn cấp, vốn vay đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt về Liên Bộ Tài chính, Lao động- Thương binh Xã hội và Kế hoạch Đầu tư.

- Tổ chức hướng dẫn, thực hiện các chính sách, chế độ đối với lao động là người tàn tật thuộc địa phương quản lý. Kiểm tra, xác định số lao động là người tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận theo tỷ lệ quy định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định số tiền phải nộp vào Quỹ đối với từng doanh nghiệp.

- Kiểm tra, thẩm định, chứng nhận “Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật”, hoặc “Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật”, hoặc “Doanh nghiệp có người tàn tật tham gia cao hơn tỷ lệ quy định” và ra Quyết định hủy bỏ chứng nhận đối với các cơ sở không còn đủ điều kiện hưởng chính sách theo Thông tư Liên bộ nêu trên.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ Quỹ học nghề và tạo việc làm cho người tàn tật trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, đồng thời thẩm định quyết toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm cả quyết toán thu chi Quỹ.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người tàn tật trong kế hoạch lao động - việc làm hàng năm của địa phương.

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương cho Quỹ.

4. Sở Y tế: Tổ chức khám và xác nhận về tình trạng tàn tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tàn tật và chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã cấp giấy xác nhận đối với các đối tượng tàn tật thuộc các dạng điếc, câm, mù, cụt hoặc liệt chân tay, thiểu năng trí tuệ (đần độn), hoặc có thân hình dị dạng.

5. Các cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp nhận người tàn tật vào học nghề, lao động đạt tỷ lệ cao hơn mức quy định tại Điều 14 Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị chứng nhận là “Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật”, hoặc “Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật”, hoặc “Doanh nghiệp có người tàn tật tham gia cao hơn tỷ lệ quy định ”.

6. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ đã được sửa đổi bổ sung và Thông tư 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC- BKHĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư có nhu cầu cấp vốn hỗ trợ hoặc vay vốn thì có trách nhiệm lập dự án gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính để kiểm tra thẩm định.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác nhận danh sách lao động, học viên trong đó có người tàn tật học nghề và làm việc tại các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên thị bàn huyện, thị xã. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở này.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc thì phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ