Chỉ thị 2688/CT-BNN năm 2008 về đẩy mạnh chương trình giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp và thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2688/CT-BNN
Ngày ban hành 05/09/2008
Ngày có hiệu lực 05/09/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2688/CT-BNN

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, CÂY LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Ngày 27/8/2008 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản (sau đây gọi là Chương trình giống) giai đoạn 2006 – 2010. Hội nghị đã nhất trí về các thành tựu và hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Chương trình từ 2006 đến nay.

Để phát huy mặt tích cực, khắc phục nhanh các tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 và Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình giống thủy sản đến 2010, Chương trình giống cần được hoàn thiện và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của các thành phần kinh tế, gắn liền nghiên cứu chọn tạo giống, nhập giống với chuyển giao công nghệ (khuyến nông) và sản xuất cung ứng giống, quản lý chất lượng giống và các chính sách khuyến khích phát triển giống để đạt mục tiêu sau cùng là tăng tỷ lệ sử dụng giống tốt trong sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, phẩm chất của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người sản xuất. Để đáp ứng mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị thực hiện các nội dung sau:

1. Các địa phương và đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của giống đối với phát triển nông nghiệp để tập trung chỉ đạo việc thực hiện Chương trình giống ở Trung ương và địa phương đạt hiệu quả cao, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất đối với giống để ứng dụng nhanh giống tốt vào sản xuất. Thực hiện hiệu quả Chương trình giống là một đóng góp cụ thể trong việc triển khai Nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các nhiệm vụ sau:

a) Vụ Kế hoạch

- Chủ trì xây dựng “Chương trình giống tổng thể đến năm 2010 và 2015” bao gồm nghiên cứu khoa học, khuyến nông, sản xuất giống, quản lý về giống … (ở Trung ương và địa phương), trước 30/10/2008. Theo chức năng các Cục chuyên ngành, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia xây dựng từng hợp phần và nộp cho Vụ Kế hoạch trước 15/10/2008 để Vụ Kế hoạch điều phối, chỉnh lý, tổng hợp xây dựng Chương trình.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình giống hiện hành và đề xuất bổ sung, sửa đổi để Bộ đề nghị các Bộ ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp.

- Đôn đốc các chủ đầu tư và đơn vị thực hiện các Dự án giống Trung ương đang triển khai cần bám sát nhiệm vụ, bảo đảm kế hoạch nhân giống đã được duyệt và tiến độ xây dựng cơ bản, báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện.

b) Các Cục chuyên ngành

- Thông báo công khai trên mạng của Cục nội dung chi tiết các Dự án giống Trung ương đang thực hiện để các địa phương biết, phối hợp.

- Rà soát các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý giống, đề xuất xây dựng các văn bản mới để tăng cường quản lý giống (báo cáo Bộ trong tháng 10/2008).

- Rà soát quy chế công nhận giống theo hướng tạo điều kiện đưa nhanh giống mới vào sản xuất.

- Thường xuyên đặt yêu cầu nghiên cứu khoa học và khuyến nông về giống để Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tuyển chọn đưa vào chương trình hàng năm.

- Đề xuất nhập giống hoặc công nghệ sản xuất giống.

c) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Quản lý chặt chẽ các đề tài, dự án thử nghiệm về giống để đảm bảo đạt yêu cầu sản phẩm đã đăng ký, có báo cáo đánh giá việc thực hiện hàng năm cho từng đề tài, dự án.

- Mỗi năm có thông báo về các tiến bộ giống để phổ biến cho các địa phương, hệ thống khuyến nông, thông tin đại chúng.

- Đề xuất quy chế sử dụng quỹ gen giống quốc gia để phục vụ cho yêu cầu chọn tạo giống (trong tháng 9/2008).

- Đề xuất quy chế về chuyển nhượng, bán bản quyền giống theo hướng khuyến khích các nhà chọn tạo giống (trong tháng 9/2008).

d) Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia

- Trên cơ sở đề xuất của các Cục chuyên ngành, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường và các địa phương, hàng năm xây dựng chương trình khuyến nông Trung ương về giống và hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình khuyến nông về giống ở địa phương.

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giống, xây dựng chương trình “Mỗi tuần một giống mới” kết hợp với đài truyền hình Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam để tuyên truyền rộng rãi.

đ) Các đơn vị nghiên cứu khoa học

- Thực hiện có hiệu quả các đề tài, dự án thử nghiệm về giống được giao, bảo đảm tạo ra được sản phẩm theo yêu cầu.

- Đề xuất nhập giống mới, công nghệ mới.

- Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học về giống.

[...]