Chỉ thị 26/2007/CT-UBND về tổ chức thực hiện quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 26/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 25/06/2007
Ngày có hiệu lực 05/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Ao Văn Thinh
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2007/CT-UBND

Biên Hòa, ngày 25 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY CHẾ GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG

Trong thời gian qua việc triển khai thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ.TTg ngày 18/4/2005 về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và Chỉ thị số 17/2005/CT-UBND ngày 08/7/2005 của UBND tỉnh về việc thực hiện quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, các địa phương trong tỉnh đã ý thức được vai trò quan trọng của công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước; Thông qua giám sát đầu tư của cộng đồng, nhiều công trình được kịp thời phát hiện những khiếm khuyết để điều chỉnh, bổ sung hoặc có biện pháp chấn chỉnh phù hợp.

Ngày 04/12/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài Chính có Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; Do đó để thống nhất việc tổ chức thực hiện quy chế giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Chỉ thị như sau:

1- Tất cả các chương trình, dự án đầu tư (gọi chung là dự án đầu tư) có sử dụng vốn của Nhà nước và không thuộc diện bí mật Quốc gia theo quy định của pháp luật, có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức cá nhân cho xã; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác đều phải thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính Phủ; Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tài chính và các quy định trong Chỉ thị này.

2- Mục tiêu, đối tượng, phạm vi giám sát đầu tư của cộng đồng; nội dung giám sát; quyền giám sát đầu tư của cộng đồng; yêu cầu, phương thức thực hiện; trình tự thủ tục thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổng hợp, phản ánh kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng; kinh phí hỗ trợ, chế độ báo cáo công tác giám sát đầu tư cộng đồng; trách nhiệm của Ban Giám sát của cộng đồng thực hiện theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC, trong đó việc triển khai thực hiện phải thống nhất theo:

a- Xác định chủ thể tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng: Thực hiện theo khoản 3 Phần I Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tài chính.

Trong trường hợp thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện công tác giám sát thì mỗi xã chỉ thành lập 01 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Việc thành lập phải đảm bảo tuân theo khoản 1,4,5,6,7,8,10 Phần II Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tài chính.

b- Đối tượng chịu sự giám sát đầu tư của cộng đồng và nội dung thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng: Thực hiện theo khoản 2, khoản 4 Phần I Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tài chính.

c- Trình tự tổ chức thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng được thực hiện theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT- UBTƯMTTQVN-TC:

Căn cứ vào kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân triển khai tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng theo các bước sau đây:

- Thông báo cho chủ đầu tư biết quyết định thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (hoặc thành phần Ban Thanh tra nhân dân).

- Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (hoặc Ban Thanh tra nhân dân) lập chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư theo nội dung quy định tại Điều 4 Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã xem xét thông qua, sau đó thông báo cho chủ đầu tư trước khi tiến hành giám sát ít nhất là 10 ngày.

- Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, tiếp nhận các thông tin do công dân phản ảnh, gửi tới chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để trả lời.

- Tiếp nhận và thông tin cho công dân biết ý kiến trả lời của cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của mình.

- Báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo định kỳ 6 tháng và 1 năm gửi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; Sở Kế hoạch và Đầu tư, phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa (nơi có vị trí xây dựng công trình) để tổng hợp báo cáo. Nội dung báo cáo theo mẫu biểu kèm theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với dự án có diện tích đất thuộc nhiều xã:

Xã nào có diện tích đất xây dựng dự án lớn nhất thì Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (hoặc Ban Thanh tra nhân dân) xã đó có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, và có sự phối hợp với các địa phương liên quan.

Công dân gửi phản ánh, kiến nghị về Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (hoặc Ban Thanh tra nhân dân) xã nơi mình cư trú và đơn vị này có trách nhiệm tổng hợp phản ánh đến các đơn vị có thẩm quyền trả lời, đồng thời gửi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân) xã chủ trì để biết và phối hợp.

3- Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành:

- Thực hiện công khai hóa các thông tin về quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành phụ trách theo quy định hiện hành.

- Xem xét, giải quyết và trả lời cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân các vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị bằng văn bản của cộng đồng. Trường hợp vấn đề giải quyết vượt thẩm quyền của đơn vị thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh trong thời hạn nói trên. Văn bản trả lời hoặc báo cáo đề xuất của cơ quan đồng thời được gửi đến: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, cơ quan quyết định đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư (để tổng hợp chung).

- Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật thuộc nhiệm vụ và phạm vi mình quản lý.

4- Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ giám sát đầu tư của cộng đồng cho các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc các cán bộ, công chức liên quan.

- Thực hiện đối với các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư và các doanh nghiệp quyết định đầu tư:

+ Tiếp nhận và tổng hợp các phản ảnh, kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân, các ý kiến trả lời của các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 06 tháng và 01 năm (thể hiện trong báo cáo tổng hợp toàn tỉnh theo định kỳ).

[...]