Chỉ thị 26/1998/CT.UB về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 1999 do tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu | 26/1998/CT.UB |
Ngày ban hành | 27/07/1998 |
Ngày có hiệu lực | 27/07/1998 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh An Giang |
Người ký | Nguyễn Hoàng Việt |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/1998/CT.UB |
Long Xuyên, ngày 27 tháng 7 năm 1998 |
CHỈ THỊ
V/V XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1999
Tình hình kinh tế - xã hội của cả nuớc và khu vực đang tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của tỉnh ta. Sáu tháng đầu năm tỉnh đã phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, hạn chế tác tại của thiên tai nên giành được thắng lợi lớn về nhiều mặt, tạo thuận lợp để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm 1998, giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Thắng lợi đạt được năm 1998 là tiền đề để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội năm 1999 và những năm tiếp theo.
Năm 1999 sẽ có những khó khăn mới, thách thức mới, tất cả các Ngành, các địa phương phải tập trung khai thác mọi nguồn lực, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội toàn diện và vững chắc, tăng nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần VI và kế hoạch 5 năm 1996 – 2000 đã đề ra.
Từ tinh thần đó UBND tỉnh chỉ thị xây dựng kế hoạch kinh tế - văn hóa – xã hội năm 1999 như sau:
I. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU KẾ HOẠCH NĂM 1999:
1. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng kế hoạch năm 1999:
Năm 1999 có nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt cần phải vượt qua tạo tiền đề cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 1996 – 2000.
Do đó khi xây dựng kế hoạch năm 1999, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo sau đây:
- Bám sát nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 – 2000 của Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần VI, Nghị quyết Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, cần kiệm để công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000.
- Duy trì phát triển nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.
- Tạo động lực mới cho sự phát triển, khai thác tối đa mọi nguồn lực nội tại cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tăng năng lực sản xuất để đủ sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
- Tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền trong việc điều hành và tổ chức thực hiện kế hoạch.
2. Những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1999.
- Trọng tâm để tạo ra khả năng phát triển và ổn định nền kinh tế địa phương là tiếp tục giành ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn tháo gở những khó khăn trong sản xuất mở thêm ngành nghề, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động.
Có giải pháp cụ thể đối với từng ngành, từng sản phẩm nhằm tăng sản lượng chất lượng, mẩu mã, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
- Nghiên cứu, khai thác thị trường, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng đã định đồng thời với việc tiến hành sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; huy động các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đảm bảo vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn dài hạn và trung hạn.
- Động viên đúng mức các nguồn thuế và phí vào ngân sách, phấn đấu mức thu thuế và phí đạt trên 10% GDP, dự toán thu ngân sách Nhà nước xây dựng theo đúng chế độ của các luật thuế mới có hiệu lực từ năm 1999.
- Dự toán chi phải được tính toán chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm chống lãng phí; chi thường xuyên phải tăng chậm hơn tốc độ chi đầu tư phát triển và không vượt quá 70% mức thu thế và phí.
3. Nội dung lập kế hoạch bao gồm:
- Kế hoạch kinh tế - xã hội toàn diện trên địa bàn tỉnh, kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch từng huyện, thị.
- Kế hoạch dự toán thu chi ngân sách nhà nước toàn tỉnh và của từng huyện, thị xã, phường.
- Kế hoạch đầu tư xây dựng.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp nhà nước.
II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG:
1. Phân công thực hiện:
- Sở kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung xây dựng và tổng hợp kế hoạch kinh tế xã hội tỉnh năm 1999 trực tiếp làm việc với các sở ngành, UBND huyện thị về kế hoạch năm 1999. Chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính Vật giá dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển.