Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2021 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 25/CT-UBND
Ngày ban hành 05/08/2021
Ngày có hiệu lực 05/08/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đức Trung
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-UBND

Nghệ An, ngày 05 tháng 8 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024, với các nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

I. Yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

1. Đối với đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, nhiệm vụ về phát triển KTXH năm 2021 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thông qua.

b) Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có sự so sánh với kết quả thực hiện của năm 2020. số liệu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo số liệu quy mô kinh tế đã được đánh giá lại.

2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

a) Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của tỉnh phải phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030 và phương hướng phát triển KTXH 5 năm 2021 -2025 của cả nước; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

b) Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là địa phương) phải phù hợp với Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của tỉnh và của các địa phương, các quy hoạch có liên quan; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh thời gian tới; bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển.

c) Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi; gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào kế hoạch phát triển KTXH.

Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: (i) phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; (ii) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; (iii) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) phù hợp với thông lệ.

Các mục tiêu, chỉ tiêu được tính toán, dự báo dựa trên số liệu quy mô kinh tế đã được đánh giá lại.

II. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

1. Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện 7 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác, các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2021), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) để có biện pháp khắc phục. Trong đó:

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 04-KL/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, Quyết định số 4697/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh về giao kế hoạch phát triển KTXH năm 2021, Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.

- Các địa phương đánh giá các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND cùng cấp về kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.

2. Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhung còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Việc xây dựng kế hoạch cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, khó khăn, thách thức tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH.

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

c) Chỉ tiêu chủ yếu: các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã đề ra; trên cơ sở phân tích tình hình thực tế và dự báo các yếu tố liên quan để xây dựng chi tiêu, phương án tăng trưởng năm 2022 của tỉnh, ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo phù hợp và khả thi.

d) Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu

- Tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; quyết tâm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng vắc-xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

- Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục xây dựng cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ đi đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi công vụ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển quê hương, đất nước.

[...]