Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 29/07/2021
Ngày có hiệu lực 29/07/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Thắng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 7 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tình lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 7 tháng đầu năm 2021, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) cơ bản ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến KT-XH của cả nước và của tỉnh; trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại của tỉnh cần phải tiếp tục tập trung giải quyết, dự báo nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 sẽ rất khó khăn, nặng nề.

Để phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển KT-XH trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là các sở, ngành và địa phương) tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022 với các yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

I. YÊU CẦU ĐÁNH GIÁ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021 VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

1. Đối với đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và năm 2021, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Quyết định, chỉ đạo của UBND tỉnh; Kế hoạch hành động số 45/KH-UBND ngày 11/01/2021 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của

Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2021 trong điều hành thực hiện kế hoạch năm 2021.

b) Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn năm 2021 và có so sánh với kết quả thực hiện của năm 2020.

c) Đối với cấp tỉnh, lấy số liệu đánh giá về tăng trưởng, quy mô kinh tế theo số liệu đã được Tổng cục Thống kê đánh giá lại và thông báo cho tỉnh.

2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

a) Kế hoạch năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2021; dự báo những tình hình trong tỉnh và của cả nước có ảnh hưởng đến phát triển KTXH của tỉnh; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2022 phù hợp, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và phù hợp với Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

b) Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH của tỉnh; phù hợp với nội dung quy hoạch đang thực hiện lập, tích hợp trong quy hoạch tỉnh phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; đảm bảo tính kết nối với các ngành, địa phương trong tỉnh; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong tỉnh và cả nước trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của cả nước và khu vực cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

c) Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào kế hoạch phát triển KT-XH1.

Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: (i) phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; (ii) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; (iii) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) phù hợp với thông lệ.

Các mục tiêu, chỉ tiêu được xây dựng dựa trên số liệu quy mô kinh tế đã được đánh giá lại (phối hợp chặt chẽ Cục thống kê tỉnh trong xây dựng số liệu).

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

Các Sở, ngành, địa phương căn cứ yêu cầu tại mục I phần A, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, các sở, ngành và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được 6 tháng và ước cả năm (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2021), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

a) Tình hình thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế; tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: Phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 đồng thời phát triển KT-XH; Tình hình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển các ngành kinh tế trọng yếu.

b) Tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021-2025: Tập trung phục hồi và phát triển du lịch; triển khai thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 -2025; tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử và duy trì, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

c) Tình hình thực hiện công tác quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

d) Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, an toàn không gian mạng và trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hiện nhiệm vụ về đẩy mạnh thông tin truyền thông, công tác phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức nhằm tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ đặc điểm, tình hình của ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các sở, ngành và địa phương tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu cho phù hợp và đầy đủ với tình hình của đơn vị và địa phương.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ... Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Mặc dù tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô trong nước ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên.... kinh tế tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức: tái cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp, chưa có các dự án động lực đi vào hoạt động, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,...

[...]