Chỉ thị 2384/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Số hiệu 2384/CT-UBND
Ngày ban hành 29/05/2024
Ngày có hiệu lực 29/05/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lê Thành Đô
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2384/CT-UBND

Điện Biên, ngày 29 tháng 5 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời cũng là năm bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 tỉnh Điện Biên được Trung ương giao là 4.070,513 tỷ đồng (chưa bao gồm phần vốn dự phòng NSTW được giao bổ sung). Trong những tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đến nay tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trên địa bàn chưa đạt yêu cầu đề ra tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước (17,46%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước 2,28 điểm %; theo thống kê của Bộ Tài chính còn 105 dự án, dự án thành phần sử dụng vốn NSTW đến hết tháng 4 chưa thực hiện giải ngân...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Ban quản lý dự án cấp tỉnh và các Chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

I. Quan điểm:

Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh và giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2024, việc thực hiện hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để xem xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân; đẩy mạnh công tác giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tăng cường công tác phối hợp xử lý kịp thời những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình dự án trọng điểm, có vốn bố trí lớn, các hồ sơ thủ tục về đầu tư công; thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu giải ngân đạt trên 95% tổng vốn đầu tư công năm 2024, cụ thể như sau:

- Đến hết ngày 30/6/2024 phấn đấu giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn năm 2024; đạt trên 50% kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024.

- Đến hết ngày 30/9/2024 phấn đấu giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn năm 2024; đạt trên 70% kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024.

- Đến hết ngày 31/12/2024 phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2024; giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024.

- Đến hết ngày 31/01/2025 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn năm 2024.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Đối với các đơn vị Chủ đầu tư dự án

- Phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách theo nhóm dự án, bố trí công chức, viên chức theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể; định kỳ tổ chức giao ban (kể cả giao ban tại công trình), kịp thời xử lý và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án cụ thể theo thẩm quyền, kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý đối với các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.

- Đối với các dự án chuyển tiếp và dự án dự kiến hoàn thành năm kế hoạch: Rà soát xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng công trình, dự án theo mốc thời gian cụ thể (tháng, quý, năm) đảm bảo thực hiện giải ngân kế hoạch vốn theo mục tiêu đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án; thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho nhà thầu ngay khi có khối lượng; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính các cấp thẩm tra, phê duyệt hoặc trình phê duyệt theo đúng quy định.

- Đối với các dự án khởi công mới trong năm kế hoạch: Tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao chất lượng trong tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công đảm bảo dự án sớm được triển khai và tuân thủ đúng tiến độ đề ra.

- Đối với các dự án sử dụng vốn ODA: Thường xuyên bám sát, phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành liên quan, nhà tài trợ khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư với Nhà tài trợ để triển khai thực hiện dự án; nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư, điều chỉnh, bổ sung dự án (nếu có); rà soát nhu cầu kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 để đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn (nếu có).

- Đối với các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội: Tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án trong năm 2024 để đáp ứng mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần tập trung cao độ mọi nguồn lực để triển khai hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.

- Đối với các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG): Khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư dự án theo đúng quy định; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn được giao triển khai thực hiện dự án theo đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, không để xảy ra lãng phí trong đầu tư và nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung theo dõi, đôn đốc, triển khai đẩy nhanh tiến độ của dự án, đảm bảo kịp thời giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

- Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu; lựa chọn nhà thầu đảm bảo năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án; xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm trong quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng. Trường hợp nhà thầu cố tình chủ quan, hoặc triển khai thực hiện chậm, cầm chừng nhằm kéo dài thời gian thi công phải có biện pháp kiên quyết xử lý kịp thời và theo đúng quy định.

- Chủ động rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án vướng mắc, có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển sang các dự án đảm bảo khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn và có thể giải ngân khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư.

- Đối với các dự án được phép kéo dài vốn năm 2023 sang thực hiện năm 2024 đến ngày 31/12/2024 không giải ngân hết nguồn vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024 và phải nộp trả ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thì chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tập trung rà soát các khoản tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn, có biện pháp xử lý thu hồi dứt điểm, xử lý nghiêm đối với các vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp và gửi danh sách nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn sang Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị Chủ đầu tư với các địa phương, không đùn đẩy trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án, có phương án hỗ trợ cụ thể với địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình dự án trọng điểm có vốn bố trí lớn trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

- Trước ngày 03 hằng tháng, các Chủ đầu tư thực hiện báo cáo định kỳ tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (bao gồm kế hoạch vốn 2023 được phép kéo dài); trước ngày 15/02/2025, báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/01/2025. Báo cáo phải có thuyết minh, chi tiết dự án cụ thể, nguyên nhân các trường hợp giải ngân đạt thấp, các vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ liên quan đến công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, đồng thời phải có số liệu ước giá trị giải ngân cho tháng tiếp theo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp chậm trễ, không báo cáo thông tin làm ảnh hưởng đến công tác, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.

- Tăng cường áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân các công trình dự án nhằm đẩy nhanh và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hồ sơ.

[...]