Chỉ thị 14/CT-UBND về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 28/08/2024
Ngày có hiệu lực 28/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong những tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành và các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Kết quả 07 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; đến hết ngày 31/7/2024 giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả tỉnh đạt 7.085,7 tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch, cao hơn 13,3% so với cùng kỳ. Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương 30 chủ đầu tư, địa phương[1] đã nỗ lực phấn đấu, đạt kết quả giải ngân kế hoạch trên mức tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh; đồng thời, nghiêm khắc phê bình 18 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh[2].

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/7/2024, vẫn còn 88 dự án, nhiệm vụ giải ngân chưa đảm bảo theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 26/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh (trong đó có 16 dự án, nhiệm vụ giải ngân 0 đồng, 30 dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch); 44 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư từ năm 2021 trở về trước song đến nay vẫn còn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; còn 19 dự án có thời gian thực hiện từ 2022 - 2025 nhưng chưa được phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) (Có các Phụ lục tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư kèm theo).

Việc giải ngân vốn năm 2024 và công tác chuẩn bị đầu tư chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của một số chủ đầu tư và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt; các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có lúc còn chưa chặt chẽ, còn lúng túng; công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc chưa hiệu quả.

Nhằm nâng cao năng lực hấp thụ vốn vào nền kinh tế, hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025, bị hủy dự toán, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung

a) Phát động những tháng cao điểm về "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”, với mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt trên 95% theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ; thời gian thực hiện: từ ngày 31/8/2024 - 31/12/2024 để các cấp, các ngành và các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện.

b) Khẩn trương, chủ động có những giải pháp quyết liệt, phù hợp và linh hoạt hơn; xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và nút thắt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết kế hoạch năm 2024 theo quy định.

c) Thực hiện nghiêm và hiệu quả “5 quyết tâm ”, “5 đảm bảo” trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024, cụ thể:

- 5 quyết tâm: (1) Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công; (2) Quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; (3) Quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và các phát sinh trên thực tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; (4) Quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; (5) Quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- 5 đảm bảo: (1) Đảm bảo đủ nguyên vật liệu, nhất là cát, sỏi, đá, đất đắp nền... để phục vụ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển; (2) Đảm bảo số lượng nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công; (3) Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân, trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; (4) Đảm bảo quản lý đầu tư công đúng quy định, không kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây thất thoát vốn, giảm hiệu quả đầu tư; (5) Đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo mục tiêu, quy hoạch đề ra và đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong triển khai thực hiện các dự án.

d) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cấp tỉnh và cấp huyện. Từng Tổ công tác phải tập trung đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; xác định cụ thể nguyên nhân, vướng mắc, bảo đảm rõ ràng, thực chất, chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, khâu nào để Tổ trưởng Tổ công tác cũng như thành viên Tổ công tác xem xét, xử lý.

đ) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức quản lý đầu tư công; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

2. Nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, chủ đầu tư, đơn vị

a) Các chủ đầu tư

- Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường để chấn chỉnh ngay những bất cập, hạn chế; đôn đốc các nhà thầu và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án; sớm hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 26/01/2024, đặc biệt là 16 dự án giải ngân 0 đồng và 30 dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch; phải ưu tiên giải ngân hết kế hoạch vốn các năm trước (năm 2022 và năm 2023) được kéo dài sang năm 2024 trước khi giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án đã được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn đến hết năm 2024.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của đơn vị, địa phương mình. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, phải hủy dự toán, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan.

- Khẩn trương hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp và tổ chức khởi công tất cả các dự án đã có đủ hồ sơ, thủ tục và được giao vốn theo quy định. Đối với các dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), chủ động có biện pháp giải quyết các vướng mắc; rà soát kỹ chất lượng hồ sơ trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật).

- Đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công trình, dự án. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa và Kho bạc Nhà nước cấp huyện làm cơ sở kiểm soát, thanh toán và hoàn ứng theo quy định; không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán; không để dồn thanh toán vào cuối năm

- Tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao.

- Giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo thực chất, không lạm dụng việc tạm ứng hợp đồng. Quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 11434/UBND-THKH ngày 07/8/2024.

b) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai thực hiện dự án cần tập trung tháo gỡ, nhất là 44 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư từ năm 2021 trở về trước nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt công tác dân vận, tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời, đúng quy định các kiến nghị chính đáng của người dân liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chủ đầu tư tính toán đầy đủ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tránh xảy ra vướng mắc và chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện; không để xảy ra tình trạng dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, bắt đầu tổ chức thi công nhưng không có mặt bằng sạch để thực hiện.

- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 do cấp huyện quản lý; ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện quản lý cho các dự án đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Chủ động hướng dẫn UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2024 của cấp xã quản lý.

- Chỉ đạo các phòng chức năng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quyết toán dự án, tập trung xử lý dứt điểm các dự án vi phạm thời gian quyết toán dự án hoàn thành và bố trí vốn thanh toán cho các dự án hoàn thành theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4127/UBND-KTTC ngày 27/3/2024, số 5450/UBND-THKH ngày 19/4/2024 và số 10362/UBND-THKH ngày 19/7/2024.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát UBND cấp huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang năm 2024 và năm 2024 của 03 chương trình MTQG, đảm bảo giải ngân hết vốn trước ngày 31/12/2024. Chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định.

d) Các sở: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Công thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xử lý hồ sơ liên quan đến công tác thẩm định dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, tham mưu xử lý đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp có hiệu quả với các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan để xử lý nhanh các thủ tục hành chính liên quan các dự án; không gây khó khăn, phiền hà cho các chủ đầu tư, đơn vị liên quan trong quá trình thẩm định.

[...]