Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Chỉ thị 237-TTg năm 1970 về tổ chức lao động sản xuất trong các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 237-TTg
Ngày ban hành 01/12/1970
Ngày có hiệu lực 16/12/1970
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 237-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1970 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG, ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất là một vấn đề quan trọng trong nguyên lý và phương châm giáo dục do Đảng và Nhà nước ta đề ra cho nhà trường xã hội chủ nghĩa. Từ trước đến nay, nhiều trường đại học và trung học chuyên nghiệp và một số trường phổ thông cấp III đã tổ chức được những cơ sở như xưởng trường, vườn trường, ruộng thí nghiệm, phòng thí nghiệm, phòng thiết kế v.v… vừa phục vụ cho học tập, vừa phục vụ cho sản xuất. Nhiều trường phổ thông, với những hình thức tổ chức lao động linh hoạt (như hợp tác xã “măng non” đội học tốt, làm tốt, tổ chăm sóc trâu bò béo khỏe, v.v…) đã đạt một số kết quả tốt trong việc kết hợp giáo dục với lao động sản xuất. Các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, các trường phổ thông công nghiệp đã cố gắng thực hiện phương thức vừa học vừa làm, bước đầu tạo ra một số kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp giáo dục nói chung.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, học sinh và thầy giáo nhiều trường, nhất là các trường chuyên nghiệp, đã tự lực xây dựng trường sở, và ở những nơi có điều kiện, đã tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm để tự túc một phần, đã thiết thực phục vụ sản xuất, chiến đấu, đời sống bằng những thành quả nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, thiết kế, điều tra, quy hoạch, v.v… theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất, các địa phương và các ngành, đã tích cực tham gia lao động công ích và nghĩa vụ.

Nhìn chung, qua lao động sản xuất, các trường đã được kết quả: bước đầu gắn nhà trường với thực tế sản xuất, chiến đấu, đời sống của xã hội, tạo điều kiện để thực hiện nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước, động viên được một phần quan trọng lực lượng lao động của nhà trường để tham gia sản xuất xã hội.

Tuy nhiên, công tác lao động sản xuất của trường học cũng còn những khuyết điểm sau đây:

1. Nhận thức về ý nghĩa và nội dung lao động sản xuất của nhà trường chưa toàn diện, do đó chưa coi trọng đầy đủ tác dụng giáo dục và tác dụng kinh tế của lao động sản xuất,  một số cán bộ, giáo viên còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, hoặc có quan điểm không đúng cho rằng nhà trường tham gia lao động sản xuất thì sẽ hạn chế chất lượng dạy và học. Nhà trường còn thiếu kiên trì và thiếu chủ động trong việc tổ chức lao động sản xuất của học sinh, giáo viên và cán bộ.

2. Chỉ đạo lao động sản xuất của các trường chưa có nề nếp, chưa chặt chẽ, có phần tùy tiện, lãng phí nhân lực, thời gian, nguyên liệu, vật liệu, thậm chí có nơi đã xảy ra tệ tham ô. Những khuyết điểm đó đã có ảnh hưởng không tốt đến ý thức lao động của giáo viên và học sinh.

3. Các ngành và cơ quan có trách nhiệm chưa có phương hướng cụ thể và biện pháp cụ thể đối với công tác lao động sản xuất trong các trường học, ít quan tâm giúp đỡ các trường giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình tiến hành lao động sản xuất.

Hiện nay, hàng năm ta có đến mấy chục vạn học sinh đến tuổi lao động đang theo học tại các loại trường. Đó là một lực lượng lao động lớn của xã hội, trong đó có nhiều người có kiến thức khoa học và kỹ thuật. Các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu trong nhiều trường chuyên nghiệp cũng có một tiềm lực khá lớn có thể phục vụ tốt những yêu cầu của sản xuất. Vì vậy, động viên các trường tham gia lao động sản xuất một cách có lãnh đạo và có tổ chức là một bộ phận quan trọng của phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm trong cả nước ta hiện nay. Hơn nữa, việc đó đồng thời cũng là một phương hướng cơ bản và lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ và công nhân, theo đúng nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.

Để lãnh đạo và tổ chức tốt hơn nữa công tác lao động sản xuất của nhà trường, các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính các cấp, và cơ quan lãnh đạo các trường cần nắm vững và thực hiện chu đáo những điều quy định sau đây.

I. MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG CHÂM TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA CÁC TRƯỜNG HỌC

1. Mục đích của phong trào lao động sản xuất ở các trường học là:

a) Thông qua lao động sản xuất để rèn luyện ý thức, thói quen và kỹ năng lao động, củng cố và phát huy những kiến thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật thu nhận ở lớp học, tăng thêm thể lực của học sinh, phục vụ cho việc dạy tốt, học tốt, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

b) Động viên và tổ chức một cách hợp lý lực lượng lao động to lớn của nhà trường, thiết thực góp phần tạo thêm của cải vật chất và từng bước cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy và sinh hoạt của học sinh, giáo viên và các cán bộ, nhân viên khác trong nhà trường.

2. Phương hướng lao động sản xuất của các trường học.

Để thực hiện mục đích nói trên, công tác lao động sản xuất trong các trường cần theo 3 phương hướng sau đây:

a) Lao động sản xuất để giải quyết những nhu cầu của nhà trường.

Hiện nay, xây dựng cơ sở vật chất của các trường để bảo đảm dạy tốt, học tốt là một yêu cầu rất cấp bách. Trong điều kiện kinh tế nước ta còn nghèo, đi đôi với sự cố gắng đầu tư và cung cấp của Nhà nước, nhà trường cần đóng góp phần của mình bằng cách tổ chức tốt lao động sản xuất để tự giải quyết những nhu cầu có thể giải quyết được. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của nhà trường xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một nhiệm vụ mà các loại trường đều cần tùy theo sức của mình mà cố gắng thực hiện. Về mặt này, có thể làm những việc như:

- Tham gia xây dựng và sửa sang trường sở, bàn ghế, bãi tập, v.v… bảo đảm vệ sinh nhà trường, cải tiến điều kiện, ăn, ở, học tập và giảng dạy trong trường.

- Xây dựng vườn trường, xưởng trường, trồng cây và chăm sóc cây, sửa chữa hoặc làm các đồ dùng, thiết bị phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu koa học.

- Ở những nơi có điều kiện, các trường nội trú hoặc tập trung nên tổ chức trồng trọt, chăn nuôi (lương thực, thực phẩm) để tự túc một phần và cải thiện đời sống vật chất của học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ trong trường.

b) Lao động sản xuất theo khả năng lao động của nhà trường, kết hợp với chương trình giáo dục nữ công, kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, hoặc với ngành nghề đào tạo, để vừa bảo đảm giáo dục và đào tạo tốt, vừa tạo thêm của cải vật chất cho xã hội.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng loại trường và của mỗi trường, có thể làm những việc như sau:

- Ở các trường phổ thông, thì tùy theo từng cấp học, lứa tuổi, trai hay gái có thể cho học sinh tham gia một số công việc thích hợp như: nhổ mạ, cấy lúa, làm phân xanh, trừ sâu, diệt chuột, chăn nuôi gia súc nhỏ, chăm sóc trâu bò, trồng cây và chăm sóc cây, đan lát, thêu ren, lắp ráp máy đơn giản, thu dọn phế liệu, phế phẩm v.v… Những công việc làm cho các cơ sở sản xuất địa phương (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp v.v…) hoặc cho gia đình, thì do cơ sở sản xuất hoặc gia đình 1, nhưng để bảo đảm có tác dụng giáo dục và không ảnh hưởng đến thời gian cần thiết dành cho việc học tập, nhà trường và Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh địa phương cần liên hệ và phối hợtp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất và gia đình để việc hướng dẫn kỹ thuật và việc tổ chức lao động được tiến hành tốt.

- Ở các trường chuyên nghiệp địa phương (nông nghiệp, sư phạm, y dược v.v…) thì tùy theo ngành nghề của trường và khả năng của những cơ sở thực tập sẵn có (đất đai, xưởng trường, trại nhân giống, trạm thí nghiệm v.v…), có thể tổ chức cho học sinh tham gia sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhjư: trồng trọt, chăn nuôi, nhân giống, trồng cây gây rừng ở địa phương, chế biến một số nông sản và cây dược liệu, làm một số đồ dùng giảng dạy và học tập, v.v…

- Ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trung ương, thì tùy theo ngành nghề đào tạo và dựa vào những cơ sở vật chất và thiết bị của trường, có thể nhận làm các công tác thiết kế, khảo sát, điều tra, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, do các ngành kinh tế và các cơ sở sản xuất giao cho, một số trường có điều kiện thì có thể nhận sản xuất hay gia công một số sản phẩm phù hợp với chuyên môn của trường.

c) Lao động công ích và nghĩa vụ.

[...]