Quyết định 825-QĐ năm 1962 quy chế tạm thời về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 825-QĐ
Ngày ban hành 01/10/1962
Ngày có hiệu lực 16/10/1962
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC

******

Số : 825-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1962

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ VIỆC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ theo yêu cầu của thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong nhà trường;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp;
Sau khi đã lấy ý kiến của các Bộ có trường Đại học và Chuyên nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành quy chế tạm thời về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp, kèm theo quyết định này.

Điều 2. Bản quy chế này bắt đầu áp dụng trong năm học 1962-1963.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, ông Vụ trưởng Vụ Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp và ông Hiệu trưởng các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

Sau bốn năm thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đã được nhiều thành tích trong việc rèn luyện tư tưởng, tác phong của giai cấp công nhân và thói quen lao động chân tay cho sinh viên, học sinh, trong việc gắn liền nhà trường với đời sống, với sản xuất, đồng thời cũng sản xuất ra một số của cải vật chất góp phần xây dựng nhà trường, phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống cho sinh viên, học sinh, cán bộ nhà trường. Những kết quả trên khẳng định nguyên lý giáo dục của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn.

Đến nay việc thực hiện nguyên lý trên có nhiều vấn đề đã rõ, tuy nhiên vẫn chưa được thống nhất thực hiện trong các trường, mặt khác vẫn còn một số vấn đề tồn tại, cần giải quyết. Bản quy chế này nhằm:

- Quy định thống nhất việc tổ chức lao động sản xuất trong nhà trường để bảo đảm yêu cầu đào tạo cán bộ và yêu cầu ổn định mọi hoạt động trong nhà trường nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập;

- Chuẩn bị rút kinh nghiệm một các toàn diện về việc thực hiện nguyên lý giáo dục trong nhà trường.

I. VỀ MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA NGUYÊN LÝ GIÁO DỤC KẾT HỢP VỚI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp nhằm đạt ba yêu cầu sau đây:

1. Để cho sinh viên, học sinh học tập lao động chân tay, tạo điều kiện cho họ được gần gũi với công nhân, nông dân, cùng lao động và học tập công nông, trên cơ sở đó bồi dưỡng cho họ lập trường quan điểm đúng đắn đối với lao động, nhất là lao động chân tay, coi trọng lao động chân tay, trung thành và nhiệt tình với công cuộc lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đây là yêu cầu cơ bản của nguyên lý, vì vậy việc tổ chức lao động cho sinh viên học sinh trước tiên phải nghĩ đến yêu cầu này.

2. Bồi dưỡng cho sinh viên, học sinh kỹ năng lao động chân tay (giản đơn và có kỹ thuật) kết hợp với việc vận dụng ở một mức độ nhất định trong điều kiện có thể và từng bước những lý luận về kiến thức khoa học, kỹ thuật đã học vào thực tế sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nông nghiệp phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 5 và Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng.

Trong lao động có yêu cầu kỹ thuật và vận dụng một phần nào kiến thức khoa học kỹ thuật trong những hình thức lao động có thể nhưng chưa phải yêu cầu vận dụng kiến thức đã học một cách toàn diện như khi thực tập, cũng như trong khi thực tập nhất là thực tập công nhân ở các trường kỹ thuật công nghiệp có một phần lao động chân tay thật sự. Tuy nhiên không nên cho rằng thực tập tức là lao động sản xuất hoặc ngược lại cho lao động là thực tập.

[...]