Thông tư 17-TT-1971 về việc quản lý quỹ lao động sản xuất ở các trường Phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 17-TT
Ngày ban hành 30/08/1971
Ngày có hiệu lực 14/09/1971
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Võ Thuần Nho
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 1971 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC QUẢN LÝ QUỸ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Ngày 01 tháng 12 năm 1970, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 237-TTg về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp.

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính Bộ hướng dẫn việc quản lý quỹ lao động sản xuất ở các trường phổ thông như sau.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Quỹ lao động sản xuất của các trường phổ thông tuy không phải là một khoản thu, chi của ngân sách Nhà nước, nhưng là một khoản thu, chi của tập thể, nên phải quản lý theo đúng chế độ kế toán Nhà nước đã quy định.

2. Việc sử dụng tiền thu được hay sản phẩm làm ra phải được tập thể Ban chỉ đạo lao động sản xuất của trường bàn bạc và quyết định theo đúng Chỉ thị số 237-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt việc tiêu thụ nông sản phẩm phải theo đúng chính sách lương thực đang thi hành tại địa phương.

3. Các cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm giúp Uỷ ban hành chính cùng cấp hướng dẫn về việc quản lý quỹ lao động sản xuất, thường xuyên kiểm tra các trường về mặt chi tiêu để ngăn chặn những trưòng hợp tham ô, lãng phí, chi sai chế độ.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CỤ THỂ

1. Tổ chức quản lý quỹ lao động sản xuất ở trường.

Thông tư số 30-TT ngày 18 tháng 12 năm 1970 của Bộ đã quy định Ban chỉ đạo lao động sản xuất ở trường có nhiệm vụ quản lý tài vụ, vật tư và quản lý phân phối thành phẩm; đồng chí hiệu phó, thay mặt Ban giám hiệu, được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo lao động sản xuất sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý quỹ lao động sản xuất của trường. Tuy vậy đồng chí hiệu trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm chính trước cơ quan quản lý giáo dục về mọi hoạt động của nhà trường nói chung và của Ban chỉ đạo lao động sản xuất của nhà trường nói riêng.

Tuỳ quy mô sản xuất của từng trường. Ban chỉ đạo lao động sản xuất phân công cho các uỷ viên hoặc nếu cần thì mới thêm một số cán bộ, giáo viên của trường giúp Ban giữ sổ sách kế toán, giữ kho hay giữ quỹ. Những việc này không nên giao cho học sinh dù học sinh đó được bầu vào Ban chỉ đạo lao động sản xuất. Cán bộ, giáo viên được phân công làm các việc này phải là những người có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không phân công kế toán kiêm giữ quỹ, giữ kho hay đi mua nguyên vật liệu, giao dịch bán sản phẩm.

2. Nguồn vốn của quỹ lao động sản xuất.

Thực hiện giáo dục kỹ thuật tổng hợp, nhiều trường đã được đầu tư trang bị một số máy móc, dụng cụ. Ban chỉ đạo lao động sản xuất có thể sử dụng số máy móc, dụng cụ đó cho học sinh vừa học vừa sản xuất ra của cải vật chất, nhưng cần có nội quy sử dụng thực tốt các máy móc, dụng cụ và phải thường xuyên tổ chức bảo dưỡng để sử dụng được lâu dài. Chi phí về sửa chữa, bảo dưỡng được tính vào chi phí sản xuất của quỹ lao động sản xuất.

Để có vốn ban đầu hoạt động, trường có thể tổ chức cho học sinh đi lao động ở công, nông, lâm trường, xí nghiệp để lấy tiền. Những ngày đi lao động này được tính vào thời gian lao động trong một năm của học sinh.

Nếu sản xuất lớn, cần nhiều vốn thì có thể liên hệ với cơ quan Ngân hàng để vay vốn theo tinh thần công văn số 137-TDNT ngày 28-04-1961 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 57-TT/LB ngày 19-12-1961 của Liên bộ Giáo dục – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Nội dung thu và chi của quỹ lao động sản xuất.

a) Về thu: Theo nguyên tắc, chỉ ghi vào quỹ này các khoản thu nhập của các việc mà trường đứng ra tổ chức cho học sinh làm tập thể như: thu nhặt phế liệu, phế phẩm, sản xuất ở vườn trường, ao trường, ruộng thí nghiệm, sản xuất ở xưởng trường… Thu nhập của học sinh ở các hợp tác xã Măng non ở các đội học tốt làm tốt, hoặc thu nhập của học sinh được giới thiệu đi lao động ngoài giờ ở các xí nghiệp, công trường… để học sinh tự túc một phần tiền ăn học đỡ cho gia đình thì không thu vào quỹ lao động sản xuất của trường.

Các khoản thu do tổ chức công đoàn giáo viên sản xuất tự túc không có mục đích góp vốn vào quỹ lao động sản xuất của trường thì cũng không thu vào quỹ lao động sản xuất của trường.

Các khoản thu của quỹ lao động sản xuất của các trường phổ thông có thể chia thành bốn loại như sau:

- Thu tiền bán sản phẩm như: tiền bán sản phẩm do xưởng trường làm ra, tiền bán hoa mầu do học sinh trồng cấy ở vườn trường, ruộng thí nghiệm và các khu vực cây trồng do nhà trường phụ trách, tiền bán gia súc do học sinh chăn nuôi ở trường;

- Thu tiền bán phế liệu, phế phẩm, lâm sản do trường tổ chức thu nhặt được;

- Thu tiền học sinh đi lao động tập thể ở các công, nông, lâm trường, xí nghiệp được các đơn vị này trả công;

- Các khoản thu khác như: học sinh được giới thiệu đi lao động ở xí nghiệp ngoài giờ học tự nguyện trích một phần thu nhập để ủng hộ vào quỹ lao động, tiền thưởng do quỹ lao động gửi tiết kiệm được trúng giải…

b) Về chi. Có ba loại chi:

- Chi phí về sản xuất như: mua nguyên vật liệu, giống, phân bón, dụng cụ rẻ tiền mau hỏng, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc và dụng cụ của xưởng trường, tiền lương của công nhân thuê để hoàn thành sản phẩm, tiền bồi dưỡng cho học sinh và giáo viên những ngày đi lao động tập thể, giấy đóng sổ sách kế toán, tiền lãi phải trả cho Ngân hàng…;

[...]