Chỉ thị 234-CT năm 1988 thực hiện nghị quyết 16-NQ/TW về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 234-CT
Ngày ban hành 18/08/1988
Ngày có hiệu lực 02/09/1988
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Trần Đức Lương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 234-CT

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH VÀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỘC CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH

Ngày 15 tháng 7 năm 1988 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 16-NQ/TW về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Để tiếp tục thể chế hoá và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) và Nghị quyết này của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

I. XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN PHÁP QUY

Các cơ quan được giao nhiệm vụ cụ thể, theo Chỉ thị này cần tiến hành khẩn trương trong tháng 8 năm 1988, rà soát lại các văn bản pháp quy đã ban hành kèm theo các Nghị định số 27-HĐBT, số 28-HĐBT, số 29-HĐBT ngày 9-3-1988 về chính sách đối với kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tư doanh, kinh tế gia đình sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải. Mặt khác cần có kế hoạch tiếp tục xây dựng để trình ban hành các chính sách mới được đề cập đến trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị nhưng chưa được đề cập đến trong các Nghị định số 27-HĐBT, số 28-HĐBT, số 29-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

1. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, đề nghị bổ sung, sửa đổi những điểm cần thiết của các Nghị định nói trên cho phù hợp với Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong tháng 8 năm 1988.

2. Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục trưởng có trách nhiệm tiếp tục ban hành hoặc bổ sung sửa đổi các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định nói trên thuộc phạm vi trách nhiệm của mình trong tháng 8 năm 1988.

3. Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trung ương có trách nhiệm dự thảo văn bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều lệ hoạt động của Hội đồng Trung ương các hợp tác xã và các đơn vị sản xuất ngoài quốc doanh trình Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Công đoàn Việt Nam cho ý kiến trước khi ban hành chính thức để sớm tổ chức thực hiện.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, có sự tham gia của Tổng Công đoàn Việt Nam, Liên hiệp xã Trung ương xây dựng đề án về tổ chức dịch vụ bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trình Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Bộ Trưởng trước cuối năm 1988.

5. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng với Liên hiệp xã Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, dự thảo, trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng điều lệ mẫu của hợp tác xã, điều lệ xí nghiệp công tư hợp doanh; quy chế hoạt động của các liên hiệp sản xuất, trung tâm dịch vụ... có liên quan đến một hoặc nhiều thành phần kinh tế trình Hội đồng Bộ trưởng trong quý I năm 1989.

Để làm việc này, cần tổ chức làm thử ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quý IV năm 1988.

6. Bộ Tư pháp cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xem xét trình Hội đồng Bộ trưởng để trình Hội đồng Nhà nước đưa vào chương trình xây dựng luật 1989 một số văn bản luật, pháp lệnh về kinh tế (quốc doanh và ngoài quốc doanh), trên cơ sở tổng kết, nâng cao các điều lệ, quyết định về chính sách kèm theo các Nghị định Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành trong năm 1988.

7. Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách mới của Nhà nước, sửa các quy định của địa phương trái với các Nghị định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRƯỚC MẮT

1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục và Uỷ ban Nhân dân các cấp cần làm quán triệt trong bộ máy của mình chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế, xã hội theo lĩnh vực và ngành kinh tế kỹ thuật được phân công; phải phụ trách xuyên suốt các thành phần kinh tế trong xã hội, không được chỉ hoạt động khu biệt trong kinh tế quốc doanh (lâu nay có xu hướng ỷ lại và khoán trắng cho các liên hiệp xã). Từ sự quán triệt này phải rà soát, đổi mới về tổ chức, cán bộ, lề lối làm việc... để làm đúng chức năng của mình.

2. Liên hiệp xã Trung ương bàn giao cho Bộ Công nghiệp nhẹ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với 4 ngành hàng mây, tre, cói, mỹ nghệ (sơn mài, thêu, ren...) trước đây do Liên hiệp xã quản lý theo quy định kèm theo Nghị định số 279-CP ngày 2-11-1978 của Hội đồng Chính phủ; ở các cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện thì nhiệm vụ quản lý 4 ngành hàng này giao cho Sở, Phòng công nghiệp.

3. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát về đăng ký sản xuất kinh doanh các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh theo đúng các Nghị định số 27-HĐBT, số 28-HĐBT và số 29-HĐBT đã ban hành.

4. Trong việc giải thể và chuyển hướng tổ chức Liên hiệp xã các cấp cần chú ý:

- Không được tuyên bố giải thể một cách vội vàng khi chưa có đề án giải quyết cụ thể về tổ chức, cán bộ, về tài sản và các loại quỹ.

- Bảo đảm việc chuyển giao nhiệm vụ và việc tổ chức lại được tiến hành có tính kế tục, chuyển tiếp, không làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo sản xuất kinh doanh ở các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cũng như không được thả nổi và buông lỏng quản lý Nhà nước đối với các thành phần kinh tế này.

5. Uỷ ban Nhân dân từng cấp cần bàn bạc kỹ với Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp và Liên hiệp Công đoàn cùng cấp để giải quyết thoả đáng việc bố trí công việc, quyền lợi, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác ở các tổ chức Liên hiệp xã các cấp hiện nay, hướng giải quyết:

- Những người lâu nay hoạt động có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ đạo quản lý cần được bổ sung vào các sở, ban ngành để tiếp tục giúp làm công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh.

- Những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất kinh doanh cần được khuyến khích tham gia xây dựng và hoạt động trong các tổ chức sản xuất kinh doanh như Liên hiệp sản xuất, trung tâm dịch vụ hoặc về tham gia các cơ sở sản xuất.

- Những người có kinh nghiệm vận động quần chúng và công tác xã hội hướng tham gia xây dựng và hoạt động trong các Hội những người lao động thủ công nghiệp hoặc tham gia hoạt động công đoàn theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam.

6. Tài sản và các loại quỹ, vốn của Liên hiệp xã các cấp (Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện) cần được bảo tồn, bàn giao đúng địa chỉ, chống mọi hành vi lợi dụng, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể. Trong khi giải quyết vấn đề này cần chú ý:

- Tài sản của Nhà nước bàn giao cho các cơ quan Nhà nước được chỉ định.

- Tài sản thuộc sở hữu tập thể cần được giải quyết theo hướng dẫn của Liên hiệp xã Trung ương theo nguyên tắc ai đóng góp thì người đó quyết định.

- Quỹ bảo hiểm xã hội cần được bảo tồn chờ đề án mới được nói ở điểm 4, phần I. Trước mắt, Liên hiệp xã các cấp tiếp tục thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người lao động trong khu vực hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp theo chế độ hiện hành.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Liên hiệp xã Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)