Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2014 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học tỉnh Đồng Nai trong năm học 2014 - 2015

Số hiệu 23/CT-UBND
Ngày ban hành 08/09/2014
Ngày có hiệu lực 08/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP VÀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TỈNH ĐỒNG NAI TRONG NĂM HỌC 2014 - 2015

Quán triệt Chỉ thị số 3008/CT-BGDĐT ngày 18/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014 - 2015; căn cứ nghị quyết của Đảng, các văn bản của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; căn cứ tình hình thực tế giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Về công tác quản lý giáo dục và đào tạo

a) Triển khai kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thực hiện Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và đào tạo.

b) Tiếp tục phối hợp khắc phục các vướng mắc trong quản lý giáo dục cấp huyện; thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, công tác tự kiểm tra của cơ sở giáo dục và đào tạo; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, ngăn ngừa, khắc phục cơ bản các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.

c) Phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt cải cách hành chính. Chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

2. Về tổ chức hoạt động giáo dục và đào tạo

a) Nhiệm vụ chung của các cấp học

- Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đổi mới các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các phong trào thi đua, công tác tư tưởng, chính trị, xây dựng Đảng trong trường học.

- Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện xóa mù chữ, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện phổ cập bậc trung học ở nơi có điều kiện. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, quan tâm giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

b) Giáo dục mầm non

- Bảo đảm điều kiện huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng. Triển khai thực hiện tốt đề án Sữa học đường, đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020.

- Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số vào lớp 1; hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các địa bàn khó khăn. Thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi đã được phê duyệt.

- Nâng cao hiệu quả quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục.

c) Giáo dục phổ thông

- Tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới kiểm tra, thi cử, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học. Dựa theo chương trình giáo dục của cấp học, các trường phổ thông xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục trong năm học đáp ứng yêu cầu và phù hợp điều kiện cụ thể.

- Tiếp tục triển khai đề án dạy học ngoại ngữ một cách hiệu quả. Tiếp tục mở rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cấp tiểu học; thực hiện thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam cấp trung học cơ sở theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Mở rộng tổ chức dạy học 02 buổi/ngày ở nơi có điều kiện, nhất là cấp tiểu học. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và dạy học thông qua di sản.

- Tăng cường công tác chỉ đạo việc sử dụng các bộ thiết bị dạy học ngoại ngữ, thiết bị dạy học tiên tiến đã được cung cấp một cách hiệu quả; tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

d) Giáo dục thường xuyên

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.

- Từng bước tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện phù hợp đặc điểm, tình hình địa phương; đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đào tạo tại các trung tâm, chú trọng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Tiếp tục thực hiện sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã theo đề án đã được triển khai.

đ) Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học

- Sắp xếp lại một số trường trung cấp chuyên nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu tồn tại, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

- Các cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học; nâng cao chất lượng dạy học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở đào tạo; các cơ sở đào tạo phối hợp với các trường phổ thông để thực hiện giáo dục hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tác động tích cực vào việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

[...]