Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 23/CT-UBND
Ngày ban hành 16/08/2017
Ngày có hiệu lực 16/08/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 16 tháng 8 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Nghị quyết), trong đó quy định một số biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu về tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng), tạo cơ chế đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

I. Mục tiêu

Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).

II. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

1. Chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện

a) Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết đối với hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

- Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đơn vị liên quan quán triệt nội dung Nghị quyết đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức thực hiện công việc liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC.

- Sở Thông tin và truyền thông tổ chức thực hiện tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị quyết.

Việc phổ biến tuyên truyền Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 20/8/2017.

b) Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện:

- Cục Thi hành án thành phố chỉ đạo các cơ quan thi hành án các cấp thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật.

- Cục Thuế thành phố quán triệt, hướng dẫn các Chi cục Thuế về chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết.

- Công an thành phố chỉ đạo Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự khi tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu ca tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đặc biệt là trách nhiệm hỗ trợ các tổ chức tín dụng, VAMG trong quá trình thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định trong Nghị quyết.

Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đơn vị liên quan có văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên trong phạm vi toàn ngành, lĩnh vực và địa phương mình trước ngày 20/8/2017.

c) Về xử lý nợ xấu liên quan đến ngân sách nhà nước:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Về thanh tra, kiểm tra, giám sát

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Nghị quyết này.

- Các Sở, ngành có liên quan có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao nêu tại khoản 1, phn II Chỉ thị này đối với các đơn vị trực thuộc.

3. Về hoàn thiện pháp luật

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan rà soát và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trong quá trình thực hiện.

[...]