Kế hoạch 2435/KH-UBND năm 2013 triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu | 2435/KH-UBND |
Ngày ban hành | 31/05/2013 |
Ngày có hiệu lực | 31/05/2013 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Trần Anh Tuấn |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2435/KH-UBND |
Bến Tre, ngày 31 tháng 5 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA NGĂN CHẶN CHÁY LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Năm 2012, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), góp phần giữ vững sự ổn định về trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tình hình cháy còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người, tài sản (xảy ra 32 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 3 người; thiệt hại tài sản 4.349.700.000 đồng).
Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-BCA-C61 ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Bộ Công an về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCCC tại các địa bàn, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; có kế hoạch, phương án, kịp thời ứng phó với tình huống cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp PCCC; huy động lực lượng, phương tiện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy nói chung, nhất là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tác động xấu đến môi trường.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Công tác tuyên truyền, vận động: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác PCCC, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm các quy định về an toàn PCCC, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển sâu rộng, hiệu quả thiết thực.
2. Công tác thanh tra, kiểm tra: Tiến hành rà soát, điều tra cơ bản địa bàn, cơ sở trọng điểm PCCC; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn PCCC; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC; đồng thời yêu cầu khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nhằm hạn chế và loại trừ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy lớn.
3. Công tác phòng cháy, thường trực chữa cháy:
a) Thường xuyên củng cố, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, quần chúng tham gia PCCC ở cơ sở; phối hợp với ngành chức năng tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ PCCC, đảm bảo xử lý kịp thời, tại chỗ các tình huống cháy, nổ ngay từ khi phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tác động xấu đến môi trường.
b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng PCCC chuyên trách; đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ PCCC, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng ngừa, chỉ huy chữa cháy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới; kiên quyết điều chuyển những cán bộ phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực chuyên môn kém, vi phạm kỷ luật, quy trình, quy định công tác, không hoàn thành nhiệm vụ.
c) Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các kế hoạch, phương án chữa cháy; huy động các lực lượng cùng tham gia, nhằm tạo thế chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống cháy, nổ xảy ra.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền Thông chỉ đạo Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cho các đài truyền thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về PCCC; các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người, khắc phục vi phạm về PCCC; việc đảm bảo các quy định về an toàn PCCC… để mọi người biết, thực hiện. Nội dung tuyên truyền giao cho Công an tỉnh hỗ trợ, cung cấp.
2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh (Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, chính quyền địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp…) tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, địa bàn chấp hành nghiêm quy định pháp luật, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác PCCC.
3. Các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp PCCC; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn PCCC, không để xảy ra cháy, nổ, nhất là cháy lớn gây thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn, đơn vị phụ trách, quản lý.
4. Đề nghị các cấp uỷ Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực tham gia, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh.
5. Cơ quan Công an thường trực Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh có trách nhiệm theo dõi và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, kịp thời tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |