Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu | 21/CT-UBND |
Ngày ban hành | 11/11/2014 |
Ngày có hiệu lực | 11/11/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Định |
Người ký | Ngô Đông Hải |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND |
Bình Định, ngày 11 tháng 11 năm 2014 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Ngày 03/6/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Để thi hành Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009.
Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành dưới Luật; trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, hoàn thành công tác báo cáo, đăng ký tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất, quyền sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc, xe ô tô các loại và tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước do Bộ Tài chính thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật về mua sắm, đầu tư xây dựng, bán, thanh lý, điều chuyển, đăng ký, kê khai tài sản nhà nước; chưa hoàn tất các thủ tục hồ sơ thẩm định phê duyệt giá trị quyết toán công trình hoàn thành đối với tài sản cố định là công trình đầu tư xây dựng; việc quản lý hồ sơ, tài liệu, dữ liệu tài sản nhà nước được bàn giao chưa chặt chẽ, có nơi bị thất lạc, mất hồ sơ, tài liệu. Không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự phát huy hết tính năng, công dụng, công suất của xe, máy, phương tiện, thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn, thậm chí có nơi không đưa vào sử dụng, để xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tài sản nhà nước. Việc theo dõi hạch toán kế toán, tính hao mòn tài sản nhà nước tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp ở cấp huyện, cấp xã chưa đúng theo quy định.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:
I. Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
1. Về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 09/8/2010 của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định; Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ.
2. Quản lý, bảo quản, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước
Đối với công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo quy định tại Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ, phải đảm bảo nguyên tắc:
- Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
- Bảo đảm giữ được giá trị, chất lượng, tiêu chuẩn của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
- Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.
Đối với việc xử lý tang vật, phương tiện đã có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thẩm quyền:
- Mọi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đều phải được quản lý, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
- Các tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước phải được bảo quản, xử lý theo đúng quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
3. Công tác quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp
Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước:
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thành việc kê khai, lập phương án theo quy định, chậm nhất đến ngày 31/12/2014 phải hoàn thành việc kê khai và trình phương án tổng thể để phê duyệt. Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa hoàn thành thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở Xây dựng (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 09 của tỉnh) theo dõi, đôn đốc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc kê khai, đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án thì tiến hành rà soát, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt; kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức Nhà nước quy định.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc:
- Khi lập, phê duyệt đề án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trụ sở làm việc: cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chấp hành nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc (khác vị trí với trụ sở làm việc cũ), khi hoàn thành việc xây dựng và chuyển sang trụ sở mới phải bàn giao toàn bộ trụ sở cũ cho Sở Tài chính (đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh), Phòng Tài chính - Kế hoạch (đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện, xã) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án xử lý.
- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 13/2006/NĐ-CP ngày 24/01/2006 của Chính phủ về xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và Thông tư số 29/2006/TT-BTC ngày 04/4/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2006/NĐ-CP ngày 24/01/2006 của Chính phủ.
4. Quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 29/7/2014 của UBND tỉnh. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương lập hồ sơ và phương án giao cho cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn thành trước ngày 31/12/2014.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc đăng nhập dữ liệu vào phần mềm Quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3995/UBND-TH ngày 11/9/2014.