Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2015 về tăng cường biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công do thành phố Hải Phòng ban hành
Số hiệu | 20/CT-UBND |
Ngày ban hành | 02/11/2015 |
Ngày có hiệu lực | 02/11/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hải Phòng |
Người ký | Lê Văn Thành |
Lĩnh vực | Đầu tư,Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 02 tháng 11 năm 2015 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Thời gian qua, để tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 05/01/2012 về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 04/9/2012 về việc tăng cường các biện pháp chỉ đạo và xử lý các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đối với ngân sách cấp huyện và cấp xã, Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 19/8/2014 về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước... Các cấp, ngành, đơn vị đã có nhiều nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư, từng bước xử lý, khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, kỷ cương trong quản lý đầu tư có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để, thậm chí có xu hướng tăng cao ở một số địa phương, một số chương trình, dự án. Tính đến ngày 31/12/2014, nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư khoảng 1.391 tỷ đồng, của các dự án do cấp huyện, xã quyết định đầu tư khoảng 1.777 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công, kiên quyết không phát sinh thêm nợ đọng và phấn đấu sớm thanh toán dứt điểm số nợ đọng nêu trên trước năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư các dự án đầu tư công nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau:
I. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014
1. Lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư
a. Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, các đơn vị thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công và Công văn số 3640/UBND-XD ngày 07/8/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố.
b. Nguồn vốn đầu tư công năm 2015 và trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tiếp tục khó khăn, trong khi nợ đọng xây dựng cơ bản còn ở mức cao, các cấp, ngành, đơn vị có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt. Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; tuyệt đối không phê duyệt chủ trương đầu tư nếu không xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
2. Lập, thẩm định, quyết định đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư công
a. Việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư đối với các dự án có cấu phần xây dựng: Căn cứ chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện theo đúng quy định tại mục 2 Chương III Luật Xây dựng.
Việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư đối với dự án không có cấu phần xây dựng: Căn cứ chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Đầu tư công.
b. Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn, chỉ được quyết định đầu tư không vượt quá mức vốn đã được thẩm định của từng nguồn vốn.
c. Cấp có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công thực hiện việc điều chỉnh dự án trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách cấp mình để thực hiện. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư công.
d. Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị phải thực hiện việc thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án.
3. Triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
a. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, chỉ triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch vốn được giao hàng năm.
b. Không được yêu cầu nhà thầu tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014.
c. Thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm về số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến ngày 31/12/2014 đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
d. Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn. Thực hiện lập và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo tiến độ chung của dự án và kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
e. Thực hiện nghiêm quy định về thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nghiệm thu và thanh quyết toán các gói thầu, dự án đã hoàn thành theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.
f. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư công; đảm bảo việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện dự án đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
II. Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản
1. Các cấp, ngành, các chủ đầu tư
a. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
b. Ưu tiên sử dụng kế hoạch vốn được giao để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo các quy định hiện hành, sau đó mới xem xét khả năng sử dụng vốn cho khối lượng thi công mới.
c. Tập trung huy động, bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp, ngành, đơn vị để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
d. Rà soát, đánh giá khả năng hoàn thiện, mức độ hiệu quả của từng dự án, công trình thuộc thẩm quyền quản lý, từ đó thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiệt hại đối với những dự án đầu tư dở dang:
- Đối với những công trình mà mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn dứt điểm, hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng.