Chỉ thị 20/1998/CT-TTg về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 20/1998/CT-TTg
Ngày ban hành 21/04/1998
Ngày có hiệu lực 21/04/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH SẮP XẾP VÀ ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Những năm qua Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách để tổ chức, sắp xếp lại, phát huy quyền tự chủ kinh doanh, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay so với năm 1995 các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận, nộp ngân sách, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu trì trệ, giảm sút ở một số ngành, địa phương. Những doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài, không còn khả năng duy trì vẫn chưa được xử lý dứt điểm; doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả còn chiếm tỷ trọng lớn; tiến trình cổ phần hoá diễn ra quá chậm. Cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới và bố trí còn quá manh mún. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường khu vực và quốc tế còn yếu kém.

Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 (sau đây gọi tắt là Tổng công ty 91) triển khai các việc sau:

I. KHẨN TRƯƠNG TIẾN HÀNH PHÂN LOẠI VÀ TIẾP TỤC SẮP XẾP DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.

1. Các Bộ trượng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 đánh giá cụ thể tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc kể từ khi thực hiện phương án sắp xếp lại theo Chỉ thị số 500/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 8 năm 1995 và trên cơ sở đó tiền hành phân loại và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc:

a. Nhóm một: gồm những doanh nghiệp quan trọng, cần duy trì hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước để phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong quá tình công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Đó là những doanh nghiệp cần duy trì 100% vốn nhà nước và một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh được lựa chọn thật chặt chẽ thuộc các lĩnh vực cần cổ phần hoá nhưng chưa có điều kiện thực hiện cổ phần hoá từ nay đến năm 2000 như các Tổng công ty nhà nước (trừ việc cổ phần hoá một số doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty) và một số doanh nghiệp quan trọng khác có ý nghĩa lớn trong các cân đối của nền kinh tế (tham khảo Phụ lục ban hành kèm theo Chỉ thị này). Các doanh nghiệp nhóm này cần được tập trung chỉ đạo kiện toàn về tổ chức, cán bộ, tài chính; ưu tiên bổ sung tối thiểu cho được 30% yêu cầu vốn lưu động định mức; tạo điều kiện chủ động huy động vốn và bảo toàn vốn để không ngừng đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp công ích: căn cứ vào Nghị định số 56/CP ngày 2 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ, xác định danh mục cụ thể và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Những doanh nghiệp công ích không đủ điều kiện hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn thì phải kịp thời chấn chỉnh hoặc cho đấu thầu quản lý. Khuyến khích chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có một phần vốn góp của Nhà nước hoặc hoàn toàn sở hữu của người góp vốn đối với các hoạt động vệ sinh môi trường đô thị và một số hoạt động dịch vụ có tính chất công ích khác có sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước.

b. Nhóm hai: gồm những doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu sở hữu. Đó là những doanh nghiệp không cần duy trì 100% vốn của Nhà nước. Trong nhóm này cần phân rõ những doanh nghiệp cần duy trì tỷ lệ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt của Nhà nước, đại diện sở hữu Nhà nước giữ vai trò điều hành doanh nghiệp (tham khảo Phụ lục ban hành kèm theo Chỉ thị này).

Trong kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 1998-1999 từng Bộ, địa phương, Tổng công ty 91 phải lựa chọn ít nhất 20% số doanh nghiệp hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc, không cần duy trì 100% vốn Nhà nước để thực hiện cổ phần hoá và gửi kế hoạch này đến Ban chỉ đạo Trung ương cổ phần hoá trước ngày 31 tháng 5 năm 1998 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Chú ý vận động thuyết phục người lao động trong doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của chủ trương này. Trường hợp còn có ý kiến chưa đồng ý cổ phần hoá thì cơ quan đề nghị thành lập doanh nghiệp quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo chế độ phân cấp hiện hành.

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể về cổ phần hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban chỉ đạo Trung ương cổ phần hoá hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, các địa phương khẩn trương lập đề án theo quy định hiện hành để triển khai thực hiện.

Đối với những doanh nghiệp nhà nước quá nhỏ (vốn nhà nước dưới 1 tỷ đồng) có thể xem xét vận dụng các hình thức cho đấu thầu công khai, cho thuê, cho sáp nhập với các doanh nghiệp khác, nếu việc sáp nhập có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn, khoán kinh doanh, bán ưu tiên cho tập thể cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp hoặc bán cho các pháp nhân, thể nhân thuộc các thành phần kinh tế khác.

Việc xem xét, lựa chọn các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 1 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp trên được tiến hành theo đề nghị của cơ quan sáng lập doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ quy định cụ thể nguyên tắc và chính sách thực hiện chủ trương này. Trong năm 1998, các Bộ, địa phương lựa chọn ít nhất 5% số doanh nghiệp nhà nước quá nhỏ hiện có để triển khai bước đầu và rút kinh nghiệm thực hiện rộng rãi trong những năm tới.

c. Nhóm ba: Gồm những doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Đó là những doanh nghiệp qua hai năm liên tục trở lên bị lỗ, không trả được nợ đến hạn, không nộp đủ thuế cho Nhà nước, không trích đủ bảo hiểm xã hội và các quỹ khác theo quy định. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này được xử lý như sau:

- Nếu doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng do thiếu vốn hoặc năng lực quản lý yếu kém thì cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp xem xét biện pháp hỗ trợ và kiên quyết thay thế cán bộ để chấn chỉnh quản lý. Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sở hữu.

- Nếu doanh nghiệp không có khả năng khắc phục thì bán đấu giá hoặc giải thể. Cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp khi triển khai các thủ tục giải thể doanh nghiệp phải chú ý trách nhiệm thu hồi và trả những khoản nợ đã phát sinh để tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp có liên quan.

Trường hợp lâm vào tình trạng phá sản thì giải quyết theo Luật phá sản doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Toà kinh tế Toà án nhân dân tối cao báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp và kiến nghị những biện pháp tháo gỡ các vướng mắc để việc thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp thực sự giúp giải quyết tình hình công nợ của doanh nghiệp phù hợp với pháp luật và chuyển giao những tài sản còn giá trị sử dụng cho những pháp nhân khác kinh doanh có hiệu quả hơn.

2. Các đề án phân loại và tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của từng Bộ, ngành, Tổng công ty 91 và địa phương phải hoàn thành trước 30 tháng 12 năm 1998 (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 1998) và tiến hành phê duyệt theo quy định sau:

Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt đề án của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng công ty 91.

Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan xem xét và phê duyệt đề án của các địa phương còn lại.

Lịch trình xem xét đề án sẽ tiến hành trước tiên đối với những Bộ và địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình lập đề án sắp xếp, mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường. Vấn đề nào đã chín muồi thì cho áp dụng ngay theo phân cấp hiện hành, không chờ hoàn thành đề án tổng thể mới tổ chức thực hiện.

3. Thành lập một số tổ công tác của Trung ương phối hợp với tổ công tác của những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước để hướng dẫn và đôn đốc thực hiện các giải pháp trên đây.

II. CỦNG CỐ VÀ HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC (BAO GỒM CÁC TỔNG CÔNG TY HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 91/TTG VÀ SỐ 90/TTG NGÀY 7 THÁNG 3 NĂM 1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ).

1. Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm sát tình hình cụ thể của từng Tổng công ty nhà nước để kịp thời chấn chỉnh những yếu kém về tổ chức quản lý, sớm bổ sung đủ cán bộ lãnh đạo để tăng cường năng lực quản lý của Tổng công ty; sơ kết kinh nghiệm thí điểm tổ chức công ty tài cính của Tổng công ty nhà nước để nhân rộng; sơ kết tình hình thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị với Tổng giám đốc để hướng dẫn và bổ sung cho phù hợp. Trong năm 1998, cần lựa chọn 2-3 Tổng công ty để thí điểm chế độ giao cho Hội đồng quản trị tuyển chọn và thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) để rút kinh nghiệm thay thế cho chế độ bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị gấp trình Thủ tướng Chính phủ quy chế và hợp đồng mẫu thuê Tổng giám đốc (Giám đốc).

2. Tăng cường hơn nữa vai trò của Tổng công ty trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, tổ chức phối hợp, kiểm tra giám sát trên cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp thành viên. Tổng công ty phải là một thể thống nhất và phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn Tổng công ty, khắc phục tình trạng hoạt động rời rạc của các doanh nghiệp thành viên. Đối với những doanh nghiệp thành viên hoạt động có hiệu quả và ổn định thì phân cấp mạnh hơn. Đối với những doanh nghiệp thành viên yếu kém và hoạt động chưa ổn định thì phải có phương án chấn chỉnh, sắp xếp tổ chức lại, khi tình hình có chuyển biến tốt sẽ mở rộng phạm vi phân cấp.

3. Việc kết nạp thành viên mới hoặc đưa thành viên hiện có ra khỏi Tổng công ty phải được xem xét từng trường hợp cụ thể trên cơ sở hiệu quả kinh tế - xã hội. Đối với những Tổng công ty có nhiều doanh nghiệp thành viên bị thua lỗ đã được Tổng công ty chấn chỉnh và Nhà nước đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực thì cần xem xét tổ chức lại hoặc giải thể Tổng công ty.

4. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phân cấp của Chính phủ cho Tổng công ty. Chấm dứt tình trạng can thiệp trực tiếp của Bộ quản lý ngành và các Bộ chức năng vào hoạt động kinh doanh của Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty đồng thời tăng cường chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các Tổng công ty theo quy định của pháp luật, nhưng quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ