Chỉ thị 02/2004/CT-BXD về tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Bộ Trưởng Bộ quản lý do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 02/2004/CT-BXD
Ngày ban hành 16/02/2004
Ngày có hiệu lực 06/04/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2004/CT-BXD

Hà Nội , ngày 16 tháng 02 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC DO BỘ QUẢN LÝ

Thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2002, Bộ đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý như: chỉ đạo sát sao, cụ thể đến từng Tổng công ty, từng doanh nghiệp, cải tiến quy trình thực hiện cổ phần hoá theo hướng đẩy mạnh phân cấp, mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, tạo điều kiện để các Tổng công ty chủ động hơn khi triển khai thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của đơn vị mình. Kết quả năm 2002 - 2003, Bộ đã hoàn thành cổ phần hoá 69 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; hoàn thành thủ tục chuyển 01 doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thực hiện thí điểm mô hình tổ chức Công ty mẹ - Công ty con ở 02 doanh nghiệp. Sáp nhập 06 doanh nghiệp và hợp nhất 04 doanh nghiệp thuộc các Tổng công ty; tiếp nhận 24 doanh nghiệp (trong đó có 22 doanh nghiệp nhà nước, 01 công ty cổ phần, 01 công ty trách nhiệm hữu hạn) từ các Bộ, địa phương chuyển về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty và tham gia mô hình thí điểm Công ty mẹ - Công ty con, thành lập mới 07 công ty con 100% vốn nhà nước trong mô hình thí điểm Công ty mẹ - Công ty con.

Tuy nhiên, việc triển  khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; việc thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới còn chậm, công tác cổ phần hoá chưa được nhận thức đầy đủ nên một số Tổng công ty, công ty chỉ đạo thiếu kiên quyết, tích cực, có Tổng công ty còn lúng túng trong việc xác định giá trị vô hình ( giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, ... ) khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, có Tổng công ty thực hiện cổ phần hoá nhiều bộ phận doanh nghiệp nên đã làm cho số lượng các đơn vị thành viên của Tổng công ty tăng lên quá nhiều, cơ chế quản lý đối với đơn vị thành viên sau khi chuyển sang công ty cổ phần chưa được điều chỉnh cho phù hợp, việc triển khai sắp xếp lao động còn chậm không đồng bộ với thời điểm sắp xếp doanh nghiệp, một số đơn vị được cấp kinh phí để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư đã thực hiện việc quyết toán chậm, làm ảnh hưởng đến việc xét cấp kinh phí đối với các đơn vị khác, ...

Năm 2004, công tác sắp xếp, đổi mới Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng cần tập trung khắc phục những tồn tại của năm 2003 về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu cơ bản hoàn thành lộ trình sắp xếp, đổi mới các Tổng công ty, công ty do Bộ quản lý theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 28/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tổng giám đốc Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con, Giám đốc các công ty độc lập do Bộ quản lý:

1. Thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp:

- Tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm việc cổ phần hoá đối với doanh nghiệp nhà nước thành viên hạch toán độc lập theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ( bao gồm cả các doanh nghiệp mới tiếp nhận từ các địa phương ). Xem xét kỹ lưỡng việc cổ phần hoá bộ phận doanh nghiệp để không gây khó khăn hoặc làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- Căn cứ Danh sách doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá trong năm 2004 theo Quyết định của Bộ, lập kế hoạch thực hiện các bước công việc cổ phần hoá theo tháng, quý. Chủ động xử lý tồn đọng về tài chính cho các doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tồn tại về tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, tránh tình trạng để dồn đến Quý 4 mới triển khai, đảm bảo đến 31/12/2004 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá các doanh nghiệp; 

- Việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá phải tính đúng, tính đủ và sát với giá cả thị trường;

- Thực hiện việc bán cổ phần rộng rãi ra ngoài doanh nghiệp theo phương thức đấu giá;

- Các Tổng công ty căn cứ kết quả cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên và tình hình, đặc điểm cụ thể của đơn vị mình, có thể đề xuất việc cổ phần hoá cả Tổng công ty, trên cơ sở đó Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định.

2. Đối với những doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp đã cổ phần hoá:

- Thường xuyên theo dõi, đánh giá hoạt động của các công ty cổ phần, phân loại những doanh nghiệp mà Tổng công ty không cần nắm cổ phần chi phối để tiếp tục bán cổ phần Nhà nước cho các cổ đông khác;

- Khuyến khích các doanh nghiệp cổ phần đủ điều kiện đăng ký và niêm yết trên thị trường chứng khoán;

- Không can thiệp vào các hoạt động của công ty cổ phần theo mệnh lệnh hành chính, đảm bảo quyền tự chủ của các doanh nghiệp cổ phần hoá theo Luật doanh nghiệp.

3. Các Tổng công ty xây dựng phương án, tiến độ sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp chưa có trong Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá trong Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 28/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng đẩy mạnh cổ phần hoá hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; áp dụng các hình thức khác ( giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp ) đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá mà không thực hiện được, báo cáo Bộ trước ngày 31/3/2004.

Trong năm 2004, nghiên cứu đề xuất làm thí điểm chuyển Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Các doanh nghiệp tư vấn thuộc Bộ tổ chức nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế quản lý cho phù hợp với điều kiện thực tế của lĩnh vực tư vấn xây dựng, đề xuất và báo cáo Bộ trong quý II/2004.

4. Nghiên cứu Sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính các Tổng công ty, công ty cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhà nước mới. Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, bao gồm: định mức lao động, tiền lương, định mức tiêu hao vật tư, thiết bị, xe máy, ... phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ và các cơ chế chính sách kinh tế, tài chính hiện hành nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Tổ chức xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu doanh nghiệp làm cơ sở đảm bảo kinh doanh.

5. Công ty Đầu tư và xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Công ty Đầu tư phát triển xây dựng báo cáo kết quả thực hiện bước đầu thí điểm mô hình Công ty mẹ - Công ty con trình Bộ trong Quý I/2004, qua đó đánh giá những tác động tích cực, những hạn chế cần tháo gỡ về tổ chức, cơ chế vận hành làm cơ sở đề xuất, hoàn thiện những cơ chế chính sách mới, phù hợp nhằm áp dụng cho những đơn vị tiếp sau; đẩy mạnh việc cổ phần hoá các công ty con 100% vốn nhà nước hoặc đơn vị phụ thuộc của công ty mẹ để hình thành cơ cấu hợp lý các loại hình công ty con.

6. Việc tiếp nhận doanh nghiệp địa phương cần chú ý xem xét một số nội dung chủ yếu: đất đai, trụ sở, lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tài chính, khả năng xử lý những tồn đọng về tài chính, công nợ, lao động, khả năng đáp ứng được mục tiêu phát triển của Tổng công ty.

Việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tính toán chặt chẽ về hiệu quả kinh tế, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn, phù hợp với định hướng phát triển của đơn vị.

7. Việc sắp xếp lại lao động:

- Việc xây dựng phương án sắp xếp lao động không chỉ thực hiện đối với các đơn vị có lao động dôi dư mà thực hiện cả đối với đơn vị không có lao động dôi dư khi cổ phần hoá hoặc thực hiện các biện pháp sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhằm bố trí, sử dụng lao động một cách hợp lý, có hiệu quả;

- Các doanh nghiệp cần có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ giỏi và công nhân kỹ thuật bậc cao, đáp ứng được nhu cầu SXKD của doanh nghiệp theo cơ chế mới;

- Khi tiếp nhận nguồn kinh phí được hỗ trợ để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư cần quyết toán kịp thời theo đúng quy định.

8. Chế độ báo cáo:

[...]