Chỉ thị 19/2006/CT-UBND về Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 19/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 30/05/2006 |
Ngày có hiệu lực | 30/05/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thiện Nhân |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế |
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2006/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 05 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trước áp lực dịch bệnh Lở mồm long móng lây lan nhanh trên đàn trâu, bò, heo, dê ở 38 tỉnh thành trong cả nước, nguy cơ đe dọa dịch bệnh đến đàn gia súc của thành phố, nhất là đàn bò sữa và heo giống là rất cao.
Căn cứ Chỉ thị số 16/2006/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc, Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc và công điện số 19/BNN/CĐ ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Lở mồm long móng gia súc, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn cấp các việc sau đây:
1. Giao thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch Lở mồm long móng cho Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người (gọi tắt là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1) các cấp, để thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong phòng, chống dịch Lở mồm long móng theo quy định tại điều 14 của Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc.
- Ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện có chăn nuôi gia súc ra quyết định xử lý tiêu hủy gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng theo khoản 4 điều 10 của Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc.
2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện :
2.1. Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Lở mồm long móng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra trường hợp dịch bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn. Trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, khi được cơ quan chuyên môn hoặc nhân dân phát hiện, báo cáo thì Ủy ban nhân dân quận - huyện phải thực hiện theo đúng các quy định của Pháp lệnh thú y và Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16 tháng 5 năm 2006 về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc.
2.2. Chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ban ngành đoàn thể các phường - xã, phối hợp với các lực lượng liên quan, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc trong công tác phòng chống dịch bệnh Lở mồm long móng; vận động người chăn nuôi gia súc phải tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng và cam kết thực hiện "5 không": Không giấu dịch, Không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh, Không bán chạy gia súc mắc bệnh, Không thả rông, không tự vận chuyển gia súc bị mắc bệnh Lở mồm long móng ra khỏi vùng dịch; Không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh Lở mồm long móng bừa bãi.
2.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để các cơ sở giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai khẩn cấp các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật:
3.1. Củng cố hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh xuyên suốt đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, từ ấp, khu phố, phường - xã, đến trạm thú y quận - huyện, nhằm đảm bảo thu thập thông tin kịp thời, phát hiện sớm và xử lý theo quy định khi phát hiện ổ dịch mới.
3.2. Cung ứng kịp thời vắc xin và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng Lở mồm long móng trên gia súc, chú ý nâng cao tỷ lệ tiêm phòng tại các vùng có nguy cơ cao như ven quốc lộ, vùng giáp ranh các tỉnh, vùng chăn nuôi tập trung, khu vực quanh lò mổ, vựa kinh doanh gia súc và tại vùng ổ dịch cũ trong thời gian sớm nhất, ưu tiên các cơ sở giống và chăn nuôi tập trung (kể cả Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Vissan).
3.3. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, trên các tuyến Quốc lộ, Liên tỉnh lộ, các cửa ngõ đi vào thành phố, các cơ sở giết mổ, các chợ, các cơ sở chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc bệnh hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ vào thành phố và các trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện không chuyên dùng.
4. Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận -huyện tiếp tục thực hiện Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2005 về ban hành Phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2010 và Quy định về hoạt động giết mổ,vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.
5. Giao Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, lực lượng Công an, Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc bệnh trái phép vào thành phố.
6. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quỹ dự phòng cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; nhanh chóng bổ sung kinh phí để mua và sử dụng vắc xin để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Lở mồm long móng cho đàn gia súc năm 2006 và hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp xử lý gia súc bệnh Lở mồm long móng phải xử lý theo Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Lở mồm long móng ở gia súc.
7. Giao các Tổng Công ty :
7.1. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống khẩn trương củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Lở mồm long móng; giám sát chặt chẽ đàn gia súc; thực hiện tiêm phòng vaccin Lở mồm long móng định kỳ kết hợp bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi cho đàn gia súc.
7.2. Chỉ đạo các cơ sở giết mổ gia súc tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ do doanh nghiệp quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Lở mồm long móng gia súc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện thu mua gia súc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố để giết mổ, nhằm bảo đảm nguồn gia súc an toàn, bình ổn thị trường và tình hình chăn nuôi trên địa bàn.
8. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và chuẩn bị phương án xử lý, phương tiện vận chuyển, địa điểm tiêu hủy đàn gia súc và sản phẩm gia súc bệnh khi có dịch xảy ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các Sở - ngành, các quận - huyện và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo hàng tuần cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời và phòng, chống dịch bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các doanh nghiệp chăn nuôi khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |