Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2020 thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 15/12/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2021

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội;

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021,

Trong năm 2020, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong tổ chức triển khai thực hiện, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đối với một số chủ đầu tư vẫn còn chậm, tỷ lệ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn toàn tỉnh đạt thấp so với kế hoạch; nguyên nhân chủ yếu là: Lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai kế hoạch vốn; Một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế thi công - dự toán, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế thi công - dự toán, triển khai thực hiện một số dự án còn chậm; Khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công còn yếu; Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu nhiều dự án chậm; Công tác phối hợp giữa một số ngành, chủ đầu tư với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đôi khi chưa kịp thời, chưa phân công cụ thể trách nhiệm, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải tỏa.

Để thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt kế hoạch từ 95% trở lên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị như sau:

1. Đối với các việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư:

a) Đối với việc phối hợp lập và trình duyệt chủ trương đầu tư:

Các đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thuộc tỉnh (trừ cấp huyện) cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tổ chức lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án theo quy định. Lưu ý, ngoài việc lập hồ sơ theo quy định tại điều 30, 31 của Luật Đầu tư công và các biểu mẫu hướng dẫn quy định tại các Nghị định có liên quan; cần phải phân tích tính cấp bách, cấp thiết và quy mô đầu tư cho phù hợp với quy hoạch ngành, nhu cầu thực tế và thực hiện khái toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sát với giá trị thực tế tại thời điểm lập hồ sơ, kể cả khu đất lợi thế (nếu có); đồng thời đề xuất các nguồn vốn có thể huy động tham gia đầu tư vào dự án nhằm giảm áp lực chi ngân sách.

b. Đối với việc tổ chức lập hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế và phối hợp thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa, đánh giá tác động môi trường của dự án:

- Lập sơ đồ găng các công việc, nhiệm vụ cụ thể cho các công việc liên quan, lưu ý thực hiện các công việc có thể thực hiện song song nhằm giảm thời gian chuẩn bị dự án. Tổ chức đánh giá nội bộ việc triển khai đường găng theo kế hoạch đã xác định.

- Sử dụng bộ phận chuyên môn kiểm tra kỹ hồ sơ ngay từ khi các tổ chức tư vấn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, tránh việc trình duyệt không đảm bảo chất lượng, phải trả hồ sơ hoặc chỉnh sửa nhiều gây mất thời gian chuẩn bị dự án hoặc phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án.

- Tổ chức lập để làm cơ sở trình thẩm định và duyệt hạng mục phòng cháy chữa cháy thành hạng mục riêng làm cơ sở hình thành gói thầu khi thực hiện dự án trong các công trình xây dựng nhằm đảm bảo theo các quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

- Thuê các tổ chức tư vấn thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đảm bảo chất lượng. Nghiêm cấm tình trạng “thuê đơn vị tư vấn thẩm tra cho đủ thủ tục”, chất lượng thẩm tra không bảo đảm gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định. Hàng năm, tổng hợp danh sách các tổ chức tư vấn thẩm tra mà khi thẩm định bị các cơ quan chuyên môn không đồng ý thống nhất phải trả lại hồ sơ nhiều lần để chủ động xử lý theo hợp đồng (xử phạt) và song song với việc báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng để tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý.

- Hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường trước khi trình duyệt dự án đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết không nhận thẩm định hồ sơ dự án khi chưa đảm bảo thủ tục pháp lý về đất đai và môi trường.

- Tổng hợp danh sách các tổ chức tư vấn lập hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với thực tế để phải xử lý trong quá trình thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án để có hình thức xử lý theo hợp đồng (xử phạt) và song song với việc báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng để tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý.

- Đối với thành phố Biên Hòa (đô thị loại 1) khi lập thiết kế các dự án như cầu qua sông Cái, sông Đồng Nai cần chọn thiết kế hiện đại, mỹ thuật, có tính đặc trưng của vùng đất linh thiêng Biên Hòa, các công trình như trung tâm sự kiện, quảng trường… cần thi tuyển kiến trúc để có những công trình mới, hiện đại.

- Trao đổi và cùng ký quy chế phối hợp giữa từng chủ đầu tư với UBND cấp huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư để thực hiện bồi thường, giải tỏa dự án sớm nhất.

c) Đối với việc liên quan trong việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan:

- Khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu thực hiện các công việc liên quan theo thẩm quyền đối với các gói thầu thực hiện trong bước chuẩn bị đầu tư dự án.

- Hoàn thành các thủ tục về hồ sơ thiết kế, dự toán và các thủ tục pháp lý liên quan, đặc biệt là đảm bảo mặt bằng thi công công công trình theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 của Luật Đấu thầu. Tuyệt đối không được phát hành hồ sơ mời thầu khi chưa bảo đảm bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết không nhận thẩm định hồ sơ kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn triển khai thi công dự án khi chưa đảm bảo bàn giao mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án.

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công phải đảm bảo tính cạnh tranh, nghiêm cấm can thiệp trái pháp luật trong đấu thầu làm hạn chế sự tham gia dự thầu của các nhà thầu, dẫn đến nhà thầu được chọn không đủ năng lực thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn và chất lượng công trình. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải thực hiện một cách khách quan, công khai căn cứ vào hồ sơ mời thầu, đảm bảo công tâm, khách quan.

- Khi tổ chức thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu cần lưu ý đưa vào tiêu chí không cho tham gia đấu thầu đối với các nhà thầu (tư vấn lập hồ sơ, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình) trong thời gian qua thực hiện công việc liên quan công trình của địa phương không đạt chất lượng hoặc có các vi phạm trong công tác đấu thầu bị cấm tham gia đấu thầu. Không đưa vào tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu không phù hợp với yêu cầu của gói thầu và vi phạm Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Nghiên cứu kỹ về các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy để đưa vào hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây dựng liên quan lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được năng lực về Phòng cháy và chữa cháy.

- Thực hiện duyệt và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong năm 2021 phải xác định thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Khi phát hiện nhà thầu vi phạm Luật Đấu thầu phải báo cáo, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

d) Đối với việc theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

- Căn cứ tiến độ các công việc được lập đường găng tại mục b, lập kế hoạch chi tiết thực hiện giải ngân cụ thể của từng dự án đến hết năm kế hoạch, cam kết đảm bảo tiến độ giải ngân của từng dự án theo kế hoạch vốn đã giao (kể cả nguồn vốn kéo dài năm 2020). Kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và chủ động phối hợp với các ngành, các cấp liên quan từ khâu chuẩn bị đầu tư đến nghiệm thu dự án hoàn thành và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021.

[...]