Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2018 về tập trung chỉ đạo cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu | 18/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/09/2018 |
Ngày có hiệu lực | 26/09/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Nguyễn Đình Xứng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 26 tháng 9 năm 2018 |
Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính ở tỉnh ta đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đã góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) hàng năm của tỉnh ta không ổn định, năm 2017 giảm 26 bậc so với năm 2016. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần ở nhiều lĩnh vực, nội dung có điểm số thấp, như: công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính; thực hiện quy định về cơ cấu lãnh đạo cơ quan hành chính; kiểm tra, xử lý các vấn đề phát hiện qua phân cấp; xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tỷ lệ đạt chuẩn cán bộ cấp xã; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí; công tác triển khai, duy trì kiến trúc chính quyền điện tử; mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; số đơn vị hành chính cấp xã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn so với chỉ tiêu được giao.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần cải thiện Chỉ số PAR INDEX năm 2018 và những năm tiếp theo của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh, khẩn trương rà soát các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 ban hành kèm theo Quyết định số 4532/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về cải cách hành chính để kịp thời triển khai thực hiện nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR INDEX; tập trung vào những nhiệm vụ liên quan đến các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Chỉ số PAR INDEX hàng năm Bộ Nội vụ đã công bố trừ điểm.
1.1. Sở Nội vụ:
a) Trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt bản mô tả khung năng lực, bố trí công chức theo vị trí việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước; phê duyệt cơ cấu công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức theo vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; hoàn thành trước ngày 30/11/2018.
b) Trình UBND tỉnh phương án sắp xếp tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị định quy định về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/4/2014.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng, hồ sơ bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức không qua thi từ tháng 05/2010 đến nay, đã được bổ nhiệm, tuyển dụng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phát hiện, thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai quy định; xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, tuyệt đối không để xảy ra việc bổ nhiệm, tuyển dụng sai quy định tương tự trong những năm tới; hoàn thành trong Quý IV/2018, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.
d) Tổ chức đánh giá Chỉ số PAR INDEX của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; hoàn thành trước ngày 20/12/2018, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.
1.2. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Rà soát Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 thuộc Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020 để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và hướng phát triển trong những năm tới gắn kết với cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/10/2018.
b) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đến hết năm 2018, số thủ tục hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ đạt 60% trở lên; số hồ sơ được xử lý mức độ 3 đạt 20% trở lên và số hồ sơ được xử lý mức độ 4 đạt 10% trở lên; 50% thủ tục hành chính đã triển khai có phát sinh hồ sơ và được tiếp nhận hoặc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
c) Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đảm bảo đến ngày 31/12/2018 tất cả văn bản của các sở, ban, ngành, UBND các cấp đều được xử lý trên môi trường mạng.
d) Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng, nâng cấp các phần mềm kết nối liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt phần mềm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhằm cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và phục vụ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.
1.3. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Cục Thuế Thanh Hóa đôn đốc, mở rộng đối tượng kê khai, nộp thuế qua mạng, đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm.
b) Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao tự chủ đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/10/2018.
1.4. Sở Tư pháp:
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định về thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ.
1.5. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Tăng cường kiểm tra các cơ quan hành chính trong việc duy trì, áp dụng hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 hoặc TCVN ISO 9001:2015; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả 09 tháng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trước ngày 15/10/2018.
b) Đối với đơn vị hành chính cấp xã: Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm đầu tư trên 80 đơn vị cấp xã được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 bằng nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp khác; đến năm 2022 có trên 70% đơn vị cấp xã có Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.
1.6. Văn phòng UBND tỉnh:
a) Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính trên Cổng/trang thông tin điện tử của ngành, địa phương.
b) Rà soát, xác định các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, làm ảnh hưởng đến kết quả chung về công tác cải cách hành chính của tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/10/2018.
c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách thủ tục hành chính. Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ trong việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, bảo đảm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh thực hiện tại chỗ tối thiểu 20% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thực hiện tại chỗ tối thiểu 50% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ.