Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đèn trời trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 30/11/2018 |
Ngày có hiệu lực | 30/11/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Nguyễn Dương Thái |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 30 tháng 11 năm 2018 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÁO VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ ĐÈN TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Trong những năm qua, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo, VK, VLN, CCHT trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Trong đó, còn xảy ra hiện tượng một số đối tượng sử dụng VK, VLN, CCHT gây án, thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt có trường hợp sử dụng VK, VLN, CCHT để chống người thi hành công vụ; tình hạng vi phạm liên quan đến pháo, nhất là đốt pháo nổ vào dịp Tết Nguyên đán vẫn còn diễn ra ở một số địa bàn, nguyên nhân chủ yếu là do: tập quán đốt pháo đón giao thừa vẫn tồn tại trong một bộ phận nhân dân; việc sản xuất, mua, bán, vận chuyển pháo mang lại lợi nhuận cao; ý thức chấp hành của một số thanh thiếu niên có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự có hiệu quả.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XIV ngày 20/6/2017 đã thông qua, ban hành Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Việc đốt thả “đèn trời” là một hoạt động, nét văn hóa của nhiều tỉnh, thành trong cả nước vào những ngày lễ, hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đèn trời, nhiều người đã thay đổi quy cách, kích thước, vật liệu... nên khi đốt và thả đèn trời có thể dẫn đến cháy, nổ các công trình của nhà nước, doanh nghiệp và của người dân gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến môi trường sống. Ngày 17/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trên phạm vi cả nước.
Để triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 08/TT-BCA ngày 05/02/2010 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 36/CP của Chính phủ và Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, Nghị định 36/2009/NĐ-CP, Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT, đèn trời; tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 36/CP ở cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT, đèn trời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh; chủ động phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm với các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để các đối tượng có cơ hội sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ pháo, VK, VLN và đèn trời.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân để mọi người nắm rõ các quy định về quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, đèn trời cùng những nguy cơ và tác hại của việc sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo, VK, VLN, đèn trời trái phép. UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm; tập trung đưa tin, bài về công tác bắt, giữ và xử lý các hành vi vi phạm về pháo, VK, VLN, đèn trời trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường trên địa bàn tỉnh kết hợp với lực lượng Công an cơ sở thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép tuyên truyền cho học sinh, sinh viên các quy định về quản lý, sử dụng pháo, đèn trời. Đồng thời, yêu cầu học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm và tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, đèn trời với nhà trường hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền và giám sát việc tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt Nghị định 36/2009/NĐ-CP, Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg về cấm đèn trời trên địa bàn tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân các cấp kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP và vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng pháo VK, VLN và đèn trời.
6. Sở Công thương, Chi cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an tỉnh có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, các trung tâm thương mại và các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về pháo, VK, VLN, đèn trời.
7. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tập trung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT và đèn trời. Mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT, cam kết không sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, VK, VLN, đèn trời và mạnh dạn phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm. Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả và kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý mọi trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT, đồ chơi nguy hiểm và đèn trời trên địa bàn. Đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các ngày lễ lớn trong năm 2019.
- Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cùng cấp tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động các vụ án về sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, VK, VLN để phục vụ công tác tuyên truyền, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
8. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khi tổ chức bắn pháo hoa trong các dịp lễ, tết phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng pháo theo quy định tại Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm.
9. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, báo cáo thực hiện về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo theo quy định. Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, quản lý để xảy ra việc sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo, VK, VLN, CCHT và đèn trời trái phép mà không được phát hiện, xử lý kịp thời thì đồng chí Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và sẽ tính vào thi đua cuối năm của địa phương.
Giao Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |