Chỉ thị 16/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2015
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/06/2014 |
Ngày có hiệu lực | 05/06/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Đinh Quốc Thái |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 05 tháng 6 năm 2014 |
Công tác cải cách hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai thực hiện nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự - an ninh xã hội; thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Qua kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 được UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 14/5/2014, một số nội dung cải cách hành chính được triển khai tương đối tốt như: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách thủ tục hành chính, nhất là triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn còn những tồn tại: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng một số đơn vị còn chưa thật sự quyết liệt và thiếu sự đồng bộ; cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu người dân và doanh nghiệp, nhất là ở những lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, đất đai, tư pháp - hộ tịch...; ở một số nơi vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, yêu cầu thêm các loại giấy tờ ngoài quy định, gây khó khăn cho người dân; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, phong cách giao tiếp còn gây phiền hà cho người dân; các tồn tại trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân của tồn tại trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về nhiệm vụ cải cách hành chính chưa đầy đủ, chưa đánh giá đúng vai trò của cải cách hành chính trong sự phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phòng, chống tham nhũng, nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước đối với người dân. Nhiều cán bộ, công chức lãnh đạo, tham mưu cải cách hành chính còn thụ động, ngần ngại, chưa quyết tâm thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách hành chính tại đơn vị.
Để triển khai hiệu quả công tác CCHC, phát huy các mặt tích cực, khắc phục những tồn tại trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Các cấp, các ngành của tỉnh
a) Phát huy vai trò của Thủ trưởng đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo các nội dung, biện pháp trong Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 21/02/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
b) Ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, xác định đầy đủ các nhiệm vụ, phân công trách nhiệm và bố trí kinh phí để thực hiện; xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính; gắn kết quả cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng; áp dụng các giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực hiện nhất là cải cách thủ tục hành chính.
c) Tham mưu ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời hoàn thiện các biện pháp quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị, hạn chế việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ngoài chương trình đã được phê duyệt.
d) Triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó:
- Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
- Thực hiện công khai thủ tục hành chính; tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị người dân về thủ tục hành chính theo đúng quy định.
- Thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp theo Quyết định số 73/2012/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 của UBND tỉnh, nhất là hồ sơ trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, tư pháp - hộ tịch... đảm bảo xử lý hồ sơ đúng quy định và trả kết quả đúng hẹn; khắc phục tình trạng gây phiền hà cho người dân.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở các cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh; bố trí công chức có chuyên môn phù hợp, có tâm huyết và kỹ năng giao tiếp tốt để tiếp nhận hồ sơ của người dân và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
- Rà soát, điều chỉnh quy định thực hiện cơ chế liên thông giữa các đơn vị cùng cấp, giữa cấp trên với cấp dưới trong việc tiếp nhận, luân chuyển và giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, tư pháp - hộ tịch,...
đ) Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt; triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo các nội dung, mục tiêu của Chương trình Tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 21/9/2011) và các kế hoạch đào tạo hàng năm của UBND tỉnh. Chú trọng bồi dưỡng đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp công sở; nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ các đơn vị.
e) Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị theo các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó:
- Tập trung nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản, mạng nội bộ để trao đổi công việc; thực hiện chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 81/2006/QĐ-UBND ngày 08/11/2006.
- Thực hiện giảm các văn bản, giấy tờ hành chính không cần thiết để triển khai lộ trình trao đổi văn bản điện tử, đảm bảo đến cuối năm 2014 có 55% văn bản trao đổi trong nội bộ, 30% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính các cấp được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử và nâng tỷ lệ đến năm 2015 đạt 60% tất cả các văn bản hành chính.
- Triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo Kế hoạch số 5908/KH-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Đẩy nhanh tiến độ mở rộng hệ thống tiêu chuẩn ISO lên chuẩn 9001: 2008 theo quy định tại Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 28/02/2011 của UBND tỉnh.
g) Tăng cường công tác thanh tra công vụ, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra cải cách hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có liên quan đến người dân và doanh nghiệp như: Đất đai, tư pháp - hộ tịch, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng,... chú trọng kiểm tra tại chính quyền cấp cơ sở là nơi trực tiếp giải quyết nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân.
a) Tham mưu đẩy mạnh triển khai đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ" theo Kế hoạch số 6860/KH-UBND ngày 26/8/2013 của UBND tỉnh, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cho Tỉnh ủy, Trung ương theo quy định.
b) Tham mưu triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cấp theo Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 và Kế hoạch số 6047/KH-UBND ngày 29/7/2013 của UBND tỉnh, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tiến độ thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai đạt yêu cầu đề ra.
c) Sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 2141/QĐ-UBND ngày 11/7/2013 của UBND tỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn để triển khai từ năm 2014.