Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2024 về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/07/2024 |
Ngày có hiệu lực | 16/07/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Tống Quang Thìn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Ninh Bình, ngày 16 tháng 7 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRẺ EM NHẰM GIẢM TỬ VONG TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Năm vừa qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được một số thành quả nhất định đáng ghi nhận. Tuy nhiên công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn gặp một số khó khăn như tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp có xu hướng bùng phát thành dịch, các bệnh không lây nhiễm ở trẻ có xu hướng gia tăng như thừa cân béo phì, các rối loạn tâm thần (chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, rối loạn phát triển lời nói và ngôn ngữ...) ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và sự phát triển của trẻ; năng lực cấp cứu và hồi sức sơ sinh ở các tuyến y tế chưa đồng đều.
Căn cứ Quyết định 1493/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 26/6/2024 của Bộ Y tế. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, duy trì và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương (gọi tắt là các cơ quan, đơn vị), tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm chỉ tiêu tử vong trẻ em tại Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện Chương trình quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.
- Tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; tuyên truyền và áp dụng rộng rãi việc xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi theo Quyết định số 4976/QĐ-BYT ngày 30/11/2020 của Bộ Y tế.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác truyền thông; đa dạng các hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp, hiệu quả tại địa phương về chăm sóc sức khỏe trẻ em, các dịch bệnh lưu hành, chương trình tiêm chủng mở rộng, sơ cấp cứu đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai.
- Tăng cường triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, trong đó sử dụng có hiệu quả Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em phiên bản giấy và phiên bản điện tử để theo dõi và quản lý sức khỏe trẻ em.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, kết nối các nền tảng cơ sở dữ liệu về sức khỏe để quản lý sức khỏe trẻ em.
- Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới nhân viên y tế thôn; cô đỡ thôn bản để kịp thời chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em sớm ngay tại cộng đồng.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên ngành sản, nhi: Củng cố nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
- Thiết lập, vận hành hệ thống “Báo động đỏ” nội viện và liên chuyên khoa về sản khoa, nhi khoa trong xử trí cấp cứu, hồi sức sơ sinh, trẻ em tại bệnh viện và cấp cứu ngoại viện theo hướng nhanh chóng, kịp thời; thực hiện chuyển tuyến, hội chẩn trực tuyến các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn theo đúng quy định.
- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế theo quy định.
- Tăng cường giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em.
- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tích hợp các nội dung giáo dục về chăm sóc sức khỏe trẻ em vào chương trình học tập tại các trường mầm non.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú đảm bảo tốt việc xây dựng thực đơn khẩu phần bữa ăn hàng ngày khoa học, đáp ứng nhu cầu cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng cho học sinh tham gia hoạt động và học tập tại trường.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng trong trường học cho giáo viên, học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh.
3. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi theo quy định hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp nhận các chương trình, dự án liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi theo quy định.
5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giảm thiểu tử vong trẻ em do tai nạn thương tích.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe trẻ em, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, các dịch bệnh lưu hành, chương trình tiêm chủng mở rộng, sơ cấp cứu tai nạn thương tích (đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai…).