Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2022 về tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 29/12/2022
Ngày có hiệu lực 29/12/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Vĩnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023

Năm 2022, tỉnh tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định. Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà, Tiền Giang đã thực hiện đạt toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, trong đó tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,02%, vượt kế hoạch đề ra (6%-7%), tạo đà cho năm 2023 - năm có ý nghĩa quan trọng trong phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ.

Để chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 “Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 1745-CV/TU ngày 05/12/2022 “Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai các nội dung sau:

1. Quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị này, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của năm 2023, phấn đấu hoàn thành kế hoạch công tác ngay từ tháng đầu, quý đầu năm mới.

2. Những công việc trọng tâm triển khai trước, trong và sau Tết:

Các ngành, các địa phương đề cao trách nhiệm, vai trò gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu, thực hiện nghiêm Quy định số 08-/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết, biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, vui xuân, gặp mặt, hội nghị, Tết trồng cây... an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, văn hóa.

Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, các nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Hội nghị tổng kết công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của UBND tỉnh.

Lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã dành thời gian đến thăm, chúc Tết gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, công nhân, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, nhất là lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm..., bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết. Chỉ đạo chặt chẽ việc trợ cấp cho đối tượng người có công, người cao tuổi, hộ nghèo và đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ người lao động vui Tết.

Việc tổ chức các điểm vui chơi, triển lãm, thưởng ngoạn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi thể thao truyền thống dân tộc phải gắn với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là. Lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tuyệt đối không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc của UBND tỉnh trong năm 2022. Đẩy mạnh triển khai “Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang” gắn với cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, nhất là thủ tục liên quan thu hút đầu tư, khởi nghiệp; triển khai các chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm hàng hóa cung ứng thị trường dịp Tết.

Chỉ đạo chặt chẽ việc đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ. Kiểm soát, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc núp bóng hoạt động vui chơi, giải trí tại các hội chợ, hội xuân...

Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong từng ngành và từng huyện, thành phố, thị xã theo tinh thần Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023. Bố trí đủ phương tiện giao thông công cộng và bảo đảm an toàn giao thông để Nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương bố trí cán bộ, nhân viên trực để giải quyết kịp thời mọi công việc trong những ngày Tết, bảo đảm các hoạt động thông suốt, không để ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhân dân và doanh nghiệp. Sau thời gian nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức phải bắt tay ngay vào công việc.

3. Phân công trách nhiệm cụ thể:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tập trung chỉ đạo chặt chẽ sản xuất lương thực, thực phẩm, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch phục vụ Tết, không để thiếu hàng, sốt giá. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt mùa khô...

- Phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm dịch thú y; kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, mang mầm bệnh, giết mổ trái phép trên địa bàn, đặc biệt là nguồn cung thịt heo, gia cầm trước, trong và sau Tết.

b) Sở Công Thương:

- Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 8/12/2022 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành chức năng nắm chắc diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, chú ý mặt hàng xăng dầu... Giám sát chặt việc triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu thực hiện mục tiêu bình ổn giá; tổ chức các chuyến hàng về các vùng nông thôn gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện khuyến mại, giảm giá nhưng phải đảm bảo chất lượng.

- Phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, tạo sốt giá hoặc đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật.

c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc kế hoạch về tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các sự kiện, hoạt động vui chơi, giải trí mừng Đảng, mừng Xuân tại khu vực Quảng trường tỉnh và các địa phương trong tỉnh theo kế hoạch, đặc biệt chú ý các địa bàn vùng sâu, vùng nông thôn gắn với kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội.

- Hướng dẫn việc treo cờ Tổ quốc, băng-rôn ở các cơ quan, đơn vị và hộ dân trong những ngày Tết. Ở thành phố, thị xã, thị trấn, các trục lộ chính, xã, ấp có trang trí cổng chào, panô, băng-rôn, khẩu hiệu đón Tết.

d) Sở Y tế:

- Phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện công tác y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, kiểm soát dịch Covid-19, cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ... Có kế hoạch cụ thể bố trí cán bộ, công chức, viên chức y tế trong toàn ngành trực 24/24, kịp thời xử lý mọi công việc, tình huống phát sinh.

- Đẩy mạnh truyền thông đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Phối hợp cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.

- Phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm kinh doanh.

[...]