Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 24/11/2022 |
Ngày có hiệu lực | 24/11/2022 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký | Nguyễn Tuấn Hà |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Đắk Lắk, ngày 24 tháng 11 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2022 VÀ ĐẦU NĂM 2023
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật trên địa bàn cả nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các địa phương, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh, cụ thể: (i) Có 40 ổ dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93.000 con gia cầm; (ii) Trên 1.150 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con lợn; (iii) Trên 240 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy; (iv) Có 16 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng tại 7 tỉnh với 518 con gia súc mắc bệnh; (v) Có 135 ổ dịch bệnh Dại động vật, buộc tiêu hủy 174 con chó, mèo tại 16 tỉnh; đặc biệt bệnh Dại đã làm 52 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao, do: (i) Kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh nêu trên còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương; (ii) Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (trên 500 triệu con gia cầm, gần 28 triệu con lợn, khoảng 10 triệu con trâu, bò, dê, cừu,..); tổng đàn gia súc, gia cầm tái đàn tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi an toàn sinh học còn rất hạn chế; (iii) Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh; (iv) Thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; (v) Một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, nhiều khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022 nhiều loại dịch bệnh động vật vẫn thường xuyên xảy ra trên các đối tượng chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 13/15 huyện, thị xã, thành phố. Dịch bệnh đã làm chết và buộc tiêu huỷ là 1.880 con; khối lượng tiêu hủy là 82.309 kg (bệnh DTLCP là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin phòng bệnh vẫn đang trong quá trình giám sát tiêm để đánh giá hiệu quả thực địa trước khi sản xuất thương mại); CGC A/H5N1 (số gia cầm mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 1.540 con); bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò (số bò mắc bệnh 52 con, số bò tiêu hủy 27 con); bệnh dại đã làm 04 người tử vong (huyện Krông Pắc (01); thành phố Buôn Ma Thuột (01); huyện Cư M’gar (01) và huyện Ea Kar (01), Kết quả giám sát bị động cho thấy vi rút dại lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương (30/47 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 63,8%).
Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Chỉ thị số 7473/CT-BNN-TY ngày 08/11/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; trong đó chú trọng tổ chức triển khai những biện pháp cụ thể sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn.
a) Thực hiện phòng bắt buộc bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn; Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin Vụ 2; LMLM trâu bò đợt 2 (theo Thông báo số 144/TB-SNN ngày 20/10/2022 và Thông báo số 147/TB-SNN ngày 25/10/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
b) Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.
c) Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, họp cộng đồng về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
d) Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
đ) Chủ động phối hợp với Đội quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
e) Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thuỷ sản năm 2023 tại địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Bố trí đầy đủ các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
b) Phối hợp các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thuỷ năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật.
d) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Tham mưu và tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2/2022 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tại Công văn số 7320/BNN-TY ngày 02/11/2022) để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh, có nguy cơ cao.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thức họp, tập huấn trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật,…
- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn tỉnh (nhất là 02 huyện có biên giới giáp Vương quốc Campuchia: huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn).
- Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Chi cục làm trưởng đoàn, phối hợp chính quyền cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương có nguy cơ cao, địa phương có các dịch bệnh động vật xảy ra trong năm 2022; xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh thú y, bảo đảm nguồn cung thực phẩm đến người tiêu dùng sạch, an toàn dịch bệnh; Phân công Lãnh đạo, cán bộ trực phòng, chống dịch bệnh động vật trong các ngày nghỉ Lễ, Tết Nguyên đán Quý mão 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện các nội dung nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để giải quyết kịp thời./.
|
KT. CHỦ TỊCH |