Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 16/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 16/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 30/08/2006
Ngày có hiệu lực 09/09/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Xuân Huế
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2006/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 30 tháng 08 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện, Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/7/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;

Trong thời gian qua các đơn vị hữu quan đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý máy phát và tần số vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kinh doanh, sử dụng các thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao (điện thoại kéo dài) nhập lậu và thiết bị thông tin vô tuyến điện trang bị cho các phương tiện nghề cá còn nhiều biểu hiện tuỳ tiện, không chấp hành đúng quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện. Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng chấp hành đúng quy định của Nhà nước cũng như việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc sử dụng kém hiệu quả, lãng phí phổ tần số và chi phí đầu tư mua sắm thiết bị; nguy cơ gây nhiễu làm thiệt hại về kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng đến an toàn thông tin và an ninh quốc phòng.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tần số và máy phát vô tuyến điện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ thị:

I/ Đối với việc quản lý và sử dụng thiết bị điện thoại kéo dài

1. Yêu cầu tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, lắp đặt và sử dụng điện thoại kéo dài phải có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng; nghiêm cấm việc tàng trữ, kinh doanh, sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Bưu chính, Viễn thông và không áp dụng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Chỉ được sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài có các tần số thuộc 7 băng tần đã quy định, đặc biệt nghiêm cấm sử dụng các loại thiết bị có tần số thuộc băng tần (108 –137) MHz vì băng tần này dành cho nghiệp vụ lưu động Hàng không theo Quyết định 336/2005/QĐ-TTg ngày 16/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ.

2. Các tổ chức và cá nhân chỉ được sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài có tần số thuộc các băng tần sau: (43 – 44)MHz; (46 – 50)MHz; (72 –73,5)MHz; (261,5 – 262,5)MHz; (263,5 – 264,5) MHz; (387,5 – 388,5)MHz; (389,5 – 390,5)MHz.

3. Các tổ chức cá nhân, đang sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài không thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện phải liên hệ với Sở Bưu chính, Viễn thông hoặc Trung tâm kiểm soát tần số khu vực III để được kiểm định và hướng dẫn đăng ký làm thủ tục xin cấp giấy phép.

4. Tất cả các tổ chức, cá nhân có sử dụng máy bộ đàm HF, VHF, UHF phải đăng kí xin cấp giấy phép sử dụng tần số, máy phát vô tuyến điện. Khi sử dụng các đơn vị phải tuân thủ đúng các quy định đã được ghi trong giấy phép.

II/ Đối với việc quản lý và sử dụng các thiết bị thông tin trên phương tiện nghề cá

1. Các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá hoạt động ở băng tần từ 26,96 đến 27,41 MHz nhưng phải tuân thủ các điều kiện kỹ thuật theo quyết định số 09/2006/QĐ-BBCVT ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông mà không phải xin cấp giấy phép sử dụng.

2. Đối với các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá nhưng không làm việc ở băng tần C hoặc các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên bờ dùng để liên lạc với các phương tiện nghề cá trên biển, chủ phương tiện phải làm thủ tục để được cấp giấy phép tần số vô tuyến điện theo quy định tại điều 18 của Nghị định 24/2004/NĐ-CP.

3. Các chủ phương tiện nghề cá có trang bị thiết bị thông tin vô tuyến điện trên tàu thuyền mà chưa có giấy phép sử dụng phải liên hệ với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Sở Bưu chính, Viễn thông Quảng Ngãi để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng, thời hạn chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2006.

III/ Đối với Đài phát thanh, truyền hình và phát lại truyền hình

1. Các đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình và phát lại truyền hình trên địa bàn Quảng Ngãi sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện do Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp.

2. Ba mươi ngày trước khi giấy phép sử dụng tần số hết hạn hoặc khi có trang bị thêm các thiết bị máy phát tần số vô tuyến điện thì phải liên hệ với Sở Bưu chính, Viễn thông Quảng Ngãi hoặc Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III để gia hạn giấy phép hoặc xin cấp mới.

3. Các đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình và phát lại truyền hình phải tuân thủ các quy định về nộp lệ phí cấp giấy phép và phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2005/QĐ-BTC ngày 11/4/2005 của Bộ Tài Chính về việc ban hành mức thu lệ phí cấp giấy phép tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện.

IV/ Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện Chỉ thị này.

2. Sở Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về quản lý tần số và các quy định khác có liên quan đến sử dụng tần số vô tuyến điện. Khi phát hiện các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng trái phép các thiết bị phát sóng vô tuyến điện thì có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Sở Bưu chính, Viễn thông và Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III tiến hành kiểm tra các vi phạm trong việc cất giữ, kinh doanh các thiết bị điện thoại kéo dài nhập lậu và các điện thoại kéo dài vi phạm về băng tần số sử dụng, tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.

4. Sở Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Sở Thủy sản tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về yêu cầu phải đăng ký để được cấp giấy phép cho máy phát vô tuyến điện và chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện: Chỉ cấp mới và gia hạn “Sổ chứng nhận đăng ký tàu cá” cho các tàu thuyền đã có giấy phép sử dụng máy phát sóng và tần số vô tuyến điện hoặc đã hoàn thành thủ tục đăng ký giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

5. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có nhiệm vụ kiểm tra các trường hợp thuê bao sử dụng điện thoại tự ý đấu nối điện thoại kéo dài vào đầu cuối thuê bao; ngừng cung cấp dịch vụ đối với những thuê bao sử dụng điện thoại có tần số không đúng băng tần quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông; kiến nghị với Sở Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường thị trấn có phương tiện nghề cá tập trung tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định về việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên các phương tiện nghề cá. Kiểm tra và yêu cầu các chủ phương tiện nghề cá có trang bị máy phát sóng vô tuyến điện phải thực hiện việc đăng ký làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện theo đúng quy định của Nhà nước.

7. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định trong việc quản lý, sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan có kế hoạch thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 17/2002/CT-UB ngày 12/7/2002 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện./.

[...]