Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2022 về công tác bảo đảm an ninh, trật tự năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 15/CT-UBND
Ngày ban hành 19/12/2022
Ngày có hiệu lực 19/12/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Vĩnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 19 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Ngày 19/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) năm 2023.

Để giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác trọng tâm:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm ANTT tại cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là: Kết luận so 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội (khóa XIV) về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh về phát động chuyên đề thi đua “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm” giai đoạn 2022 - 2025 và các kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; các kế hoạch (quy chế) phối hợp với ngành Công an.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm ANTT, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm ANTT, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá kết quả công tác hằng năm. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra việc thiếu quan tâm, lãnh đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và để tình hình ANTT trên địa bàn quản lý diễn biến phức tạp, không giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Lực lượng Công an tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo vai trò nòng cốt, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

2. Đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh đối với các hành vi tội phạm, vi phạm pháp luật và tố giác, lên án, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho tội phạm, vi phạm pháp luật.

3. Phối hợp với ngành Công an triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, phòng ngừa tội phạm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó:

- Chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp, phản động, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

- Đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ nội bộ; quản lý cán bộ, đảng viên, tham gia đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái thù địch, không để địch, phần tử xấu móc nối, lợi dụng xuyên tạc, phá hoại. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh nội địa, an ninh đối ngoại, an toàn thông tin mạng; phát hiện ngăn chặn, xử lý các hoạt động tán phát thông tin xấu, độc và hoạt động phạm tội trên không gian mạng. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh, nổi lên liên quan đến tôn giáo, an ninh xã hội, an ninh công nhân; chủ động phòng ngừa, xử lý từ sớm các vấn đề có thể tạo ra bức xúc, tập trung đông người gây rối ANTT, tuyệt đối không để hình thành “điểm nóng” về ANTT.

- Chỉ đạo các giải pháp một cách đồng bộ, phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, nhất là đối với nhóm tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm đường phố và hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 13/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tiêu cực tham nhũng, kể cả “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng; áp dụng các biện pháp quản lý đối tượng tại cấp xã, đưa người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng quy định.

- Nâng cao chất lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hoạt động tư pháp. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của Công an cấp xã và cơ quan điều tra cấp huyện; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Phấn đấu kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội ít nhất 5% so với năm 2022; tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội đạt trên 75% (trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%); 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị, khởi tố được tiếp nhận, xử lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, gắn với triển khai các giải pháp ứng dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân; các tiện ích của Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, nhất là nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo lộ trình của Chính phủ để phục vụ tốt yêu cầu công tác quản lý xã hội và phòng, chống tội phạm. Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; siết chặt hoạt động ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT và quản lý cư trú đối với người nước ngoài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra khắc phục dứt điểm các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy; chủ động lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự số, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đầu tư, ứng dụng, khai thác hiệu quả các hệ thống giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh; phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông so với năm 2022.

5. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong công tác bảo vệ ANTT và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là giữa lực lượng Công an với Quân đội theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, nhất là nhân rộng, xây dựng “Phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị” và “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; huy động nguồn lực để phát triển mạng lưới camera giám sát rộng khắp, ưu tiên các địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả giám sát và thực hiện các kiến nghị, khiếu nại của Nhân dân ở cơ sở; kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết ổn định các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân theo phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” và phát huy tinh thần tự nguyện, cam kết thực hiện các quy tắc, quy ước tại xóm, ấp, khu phố, khu dân cư.

6. Công an tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị; triển khai xây dựng thí điểm Công an phường “Điển hình kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị”. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào các mặt công tác Công an, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường toàn diện cho Công an cấp huyện và xây dựng Công an xã chính quy; bảo đảm các điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an xã. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã bán chuyên trách khi tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh gần nhất.

7. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị này để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh tổng hợp) để chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- VPCP;
- Bộ Công an;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các H, TP, TX;
- VPUB: CVP, các PCVP, các Phòng: HC-TC-QT, KT, TH, KG-VX;
- Lưu: VT, NC (Năm, Giang).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vĩnh

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ