Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 15/CT-UBND |
Ngày ban hành | 31/12/2021 |
Ngày có hiệu lực | 31/12/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Nguyễn Công Vinh |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG VÀ XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
Ngày 15/7/2015, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Sau hơn 05 năm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh, nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản đã được tăng cường, đạt nhiều kết quả, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép đã giảm; một số doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản sau khai thác và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế khai thác; vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện tốt công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác không phép, trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, một số chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm.
Ngày 29/09/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, đồng thời, để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/09/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:
1. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và văn bản pháp luật về khoáng sản đến người dân, các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh.
2. Rà soát Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nội dung Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; Không quy hoạch, cấp phép các dự án khai thác cát, sỏi trong phạm vi luồng, hành lang bảo vệ luồng hàng hải, đường thủy nội địa.
3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đình chỉ hoặc thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản không thực hiện theo cam kết và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép, nhất là trên sông, biển; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
4. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Theo đó, rà soát các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông; các dự án nạo vét, khơi thông luồng đã cấp phép đang triển khai thực hiện, xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định.
5. Cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô.
6. Tổ chức thực hiện:
6.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các diêm mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, đảm bảo không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực liên quan đến quy hoạch rừng tự nhiên. Thực hiện việc tính, thẩm định, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
- Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trừ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định;
- Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác;
- Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền. Thực hiện việc gửi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định; yêu cầu tổ chức, cá nhân đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản thực hiện trách nhiệm nộp Lưu trữ địa chất tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam theo quy định, chỉ đạo xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện.
- Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các Doanh nghiệp không đủ năng lực, chậm triển khai. Từng bước xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về khoáng sản, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
6.2. Sở Công Thương:
Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chỉ cho phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các trường hợp đã đủ điều kiện theo quy định.
6.3. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nội dung Phương án khai thác tài nguyên khoáng sản tỉnh, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Quy hoạch công suất khai thác đối với tùng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo về thị trường.
- Trong quá trình lập phương án khai thác tài nguyên khoáng sản tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, không xem xét bổ sung vào quy hoạch các khu vực khai thác xuống sâu tạo hồ chứa nước.
- Tăng cường kiểm tra chất lượng khoáng sản vật liệu xây dựng, đặc biệt là chất lượng cát xây dựng, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
6.4. Sở Giao thông Vận tải:
- Thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, và vùng nước đường thủy nội địa và của pháp luật về hàng hải, đường thủy nội địa trong quá trình khai thác khoáng sản, không làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, giao thông đường thủy nội địa.
- Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bên thủy nội địa (trong đó có các bến tập kết cát, sỏi) không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.
- Yêu cầu các doanh nghiệp trước khi triển khai thi công công trình nạo vét, khơi thông luồng, lạch phải thông báo, cung cấp hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, hàng hải để phối hợp quản lý, giám sát.