Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2015 triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 15/CT-TTg
Ngày ban hành 07/07/2015
Ngày có hiệu lực 07/07/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 22 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 22) về hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế gồm Ban Chỉ đạo liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành về kinh tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường hòa bình, ổn định; quảng bá và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp và nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc nội luật hóa để thực hiện các cam kết quốc tế chưa đầy đủ và đồng bộ. Sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động.

Những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính - tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới, trong đó có việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong 2 - 3 năm tới như sau:

1. Các Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, về kinh tế, về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng tham mưu chính sách; vận hành thông suốt, nhịp nhàng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành; giữa các Bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành; giữa các Ban Chỉ đạo với các cơ quan đầu mối hội nhập quốc tế ở địa phương.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

- Xác định hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ ưu tiên và phân công, kiện toàn các bộ phận đầu mối phụ trách; khẩn trương rà soát, hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Tập trung cao độ các nguồn lực để sớm hoàn tất, ký kết và chuẩn bị triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán theo đúng yêu cầu đặt ra.

- Đẩy mạnh nâng cao vai trò đối ngoại đa phương theo hướng chủ động đóng góp, tích cực tham gia vào việc xây dựng và định hình các cơ chế hợp tác đa phương phù hợp với lợi ích đất nước. Tăng cường nghiên cứu, đề xuất và triển khai các sáng kiến, đóng góp tại các diễn đàn quan trọng, chú trọng nội hàm phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức có tính toàn cầu, nhằm phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm và nâng cao vị thế của Việt Nam.

- Hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ hội và thách thức của hội nhập, đặc biệt là về Cộng đồng ASEAN, các cam kết kinh tế, thương mại mới của Việt Nam. Chú trọng đối thoại, tiếp nhận và xử lý ý kiến, đề xuất của các đối tượng chịu tác động từ các cam kết hội nhập quốc tế để đảm bảo hội nhập mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.

- Tăng cường rà soát, triển khai nội luật hóa đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và đồng bộ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; sửa đổi những quy định không còn phù hợp; chủ động có kế hoạch chuẩn bị nội luật hóa cho các cam kết sắp tham gia. Chủ động nghiên cứu, đề xuất việc tham gia và tích cực góp phần xây dựng các điều ước quốc tế, phát huy vai trò tại các cơ chế về luật pháp và tư pháp quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế và Luật Biển.

- Chủ động theo dõi, rà soát tình hình thực hiện cam kết hội nhập quốc tế của các nước và kịp thời kiến nghị chủ trương, biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Chú trọng công tác chuẩn bị, phòng ngừa và xử lý các tranh chấp quốc tế.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia hội nhập quốc tế trong ngành, lĩnh vực phụ trách.

3. Bộ Ngoại giao:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác song phương và tham gia các cơ chế, diễn đàn đa phương về chính trị - an ninh - quốc phòng, phục vụ hiệu quả các mục tiêu an ninh, phát triển của đất nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng định hướng đối ngoại đa phương của Việt Nam đến 2030, trong đó có việc đào tạo đội ngũ cán bộ đa phương; nghiên cứu, kiến nghị đưa chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương” vào các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

- Chủ trì tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các trọng tâm đối ngoại đa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm: (i) Đảm nhận các trọng trách quốc tế, đăng cai tổ chức thành công các hoạt động đa phương lớn; (ii) Xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nâng cao hiệu quả hợp tác tiểu vùng Mê Công; (iii) Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế; (iv) Phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy hoàn tất và triển khai các FTA sẽ ký kết; (v) Góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, thúc đẩy nội hàm phát triển bền vững; (vi) Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để các đối tác sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2018; (vii) Nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác; (viii) Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ đa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Lộ trình chuẩn bị đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 và các hoạt động của Năm APEC 2017. Đẩy mạnh vận động ứng cử vào các vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015 - 2019.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) trình Chính phủ cho ý kiến trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII; nghiên cứu, đề xuất tham gia thêm một số Công ước Liên hợp quốc về nhân quyền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng đội ngũ pháp lý tham gia các cơ quan pháp lý quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến 2020, xây dựng Đề án xác định và vận động ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC); nghiên cứu, đề xuất kế hoạch vận động người Việt Nam ở nước ngoài làm việc cho các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho hội nhập quốc tế của đất nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, cử đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2015.

4. Bộ Quốc phòng:

- Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược hội nhập quốc phòng với ASEAN, Đề án hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng 10 năm giai đoạn 2016 - 2025.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao kiến nghị các biện pháp tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO), đưa nhân sự vào làm việc tại cơ quan PKO, tranh thủ sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các nước để nâng cao năng lực tham gia PKO cho Việt Nam.

- Chủ trì đề xuất các biện pháp tăng cường các mối quan hệ quốc phòng song phương, các sáng kiến nhằm xây dựng lòng tin, nâng cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về quốc phòng; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hoạt động diễn tập chung với lộ trình phù hợp với khả năng của quân đội ta.

- Chủ trì đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ biên giới quốc gia, chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển, an ninh biển, thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn, giải quyết hậu quả chiến tranh, kỹ thuật quân sự và thương mại quân sự.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư, kinh doanh có yếu tố nước ngoài trên các địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh.

[...]