Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 02/06/2023
Ngày có hiệu lực 02/06/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 02 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Theo số liệu thống kê, đến tháng 3 năm 2023, toàn tỉnh có 103.700 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng số đàn trâu là 13.221 con, đàn bò 89.424 con, đàn lợn 591.903 con, đàn gà 11.145.845 con và một số loại gia súc, gia cầm khác. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi đều chăn nuôi ngay tại hộ gia đình, trong khu dân cư. Qua tính toán sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi ngày, đàn gia súc, gia cầm thải ra khoảng 6.121 tấn phân tươi, 400.000 lít nước tiểu, trong khi đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas và các biện pháp xử lý khác của các hộ hiện nay chưa thể thể đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi quá tải, chất thải xả ra cống, rãnh, kênh mương, gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Mặc dù hoạt động chăn nuôi tại các hộ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, nhưng hoạt động chăn nuôi cũng tạo ra một trong những nguồn thu nhập chính cho các nông hộ. Chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành đã tạo mọi điều kiện, xây dựng một số cơ chế hỗ trợ để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nêu trên như hỗ trợ xây dựng hầm biogas, máy vắt phân, đệm lót sinh học… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra với quy mô ngày một lớn và tính chất ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu môi trường, đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Trước thực trạng đó, để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi nằm trong các khu dân cư, nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với Sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

c) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Luật Chăn nuôi năm 2018 và hướng dẫn phân loại quy mô chăn nuôi nông hộ, quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) theo quy định Luật Chăn nuôi năm 2018 để xác định thực trạng chăn nuôi trong khu dân cư.

d) Nghiên cứu, tổ chức triển khai mô hình thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”; trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình, để nghiên cứu đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu vực dân cư.

đ) Phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về chăn nuôi, đặc biệt là quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại quy định tại Điều 59, Điều 60, Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn Luật trên địa bàn toàn tỉnh.

e) Hướng dẫn UBND các huyện, UBND cấp xã hoàn thiện các thủ tục xin ý kiến chấp thuận hoặc thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều tại các địa điểm ngoài bãi sông được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung. Tập trung hướng dẫn, giải quyết ở xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện; UBND cấp xã hoàn thiện thủ tục về đất đai tại một số địa điểm được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, đưa cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023.

b) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và quy trình xử lý chất thải chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung được lựa chọn.

c) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Sở Xây dựng: Thẩm định quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, thỏa thuận quy hoạch xây dựng do UBND cấp huyện phê duyệt; đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo quy định, phục vụ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở các địa điểm được quy hoạch đã đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật, chủ trì phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chăn nuôi tập trung sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư thuộc trách nhiệm đầu tư của tỉnh.

5. Công an tỉnh

a) Phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; chủ động nắm tình hình; không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến vệ sinh môi trường tại các hộ chăn nuôi.

b) Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh cấp xã…: Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng nội dung của Chỉ thị này; tăng thời lượng đưa tin, bài và phát thanh nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật chăn nuôi và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; chấp hành việc di dời cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khu chăn nuôi tập trung. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền này trong nội dung tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Nêu gương những hộ chăn nuôi điển hình chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về chăn nuôi và bảo vệ môi trường để tạo sự lan tỏa trong quá trình tổ chức thực hiện.

7. UBND các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức triển khai, thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Luật Chăn nuôi năm 2018 đồng bộ, đạt hiệu quả; tổ chức rà soát, thống kê, phân loại rõ quy mô chăn nuôi nông hộ và quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) để xác định thực trạng chăn nuôi trong khu dân cư trên địa bàn. Việc thống kê, phân loại phải xác định rõ các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động có phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không. Yêu cầu phải tổ chức thực hiện rà soát, thống kê, phân loại xong trước ngày 31/7/2023.

b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong khu dân cư thực hiện đúng các yêu cầu theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định; tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ chăn nuôi quy mô trang trại ở trong khu dân cư di dời ra khỏi khu dân cư theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định bền vững. Trường hợp các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động không phù hợp quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhưng không chủ động thực hiện di dời; không thực hiện quy định bảo vệ môi trường theo quy định, phải kiên quyết cưỡng chế thực hiện di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định lâu dài.

c) Tập trung triển khai, thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ- HĐND ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về chăn nuôi, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại quy định tại Điều 59, Điều 60, Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh để người dân biết, thực hiện đạt hiệu quả.

đ) Nghiên cứu, thống nhất với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án quy hoạch các địa điểm phù hợp để tạo quỹ đất xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn và đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung phục vụ cho các cơ sở chăn nuôi tự nguyện di dời ra khỏi khu dân cư thuê để chăn nuôi.

e) Nghiên cứu, tổ chức thực hiện các biện pháp để xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ chăn nuôi/cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư hiện hữu đã và đang gây ô nhiễm môi trường, sớm khôi phục lại môi trường sống đảm bảo cho nhân dân trên địa bàn.

[...]