Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020
Số hiệu | 14/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 10/06/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Nguyễn Dương Thái |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 10 tháng 06 năm 2016. |
CHỈ THỊ
VỀ CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020
Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường kinh doanh của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng đã và đang có những bước tiến triển, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn, đó là: Hạn chế về công nghệ và khả năng cạnh tranh ngày càng lớn trong bối cảnh hội nhập; khó khăn và chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động; tinh thần tự tôn dân tộc và tính gắn kết của các doanh nghiệp chưa cao,...
Ngày 16 tháng 5 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là văn bản quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung quán triệt, phối hợp thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp:
a) Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
b) Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng.
c) Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.
d) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính, cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ; thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
đ) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
e) Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
2. Bảo đảm quyền kinh doanh, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp:
a) Xác định rõ doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
c) Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.
d) Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.
đ) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.
e) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh (đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường,...).
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:
a) Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
b) Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
4. Phối hợp thực hiện:
a) Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm ngăn chặn hành vi hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.
b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện vận động, hướng dẫn và tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đóng góp vào sự phát triển của đất nước; tham gia giám sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
c) Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tập hợp và xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ, có ý thức trách nhiệm, hợp tác để phát triển doanh nghiệp; đề xuất giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; tham gia giám sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Văn phòng UBND tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.