Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm theo Chỉ thị 07/CT-TTg do tỉnh Khánh Hòa ban hành
Số hiệu | 14/CT-UBND |
Ngày ban hành | 12/09/2013 |
Ngày có hiệu lực | 12/09/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Khánh Hòa |
Người ký | Nguyễn Chiến Thắng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Khánh Hòa, ngày 12 tháng 09 năm 2013 |
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, nhà nước giai đoạn 2011-2020, ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức theo Thông báo số 305/TB-VPCP ngày 28/8/2013 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời xét tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan ngành dọc tại tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
1. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao nhận thức về cải cách hành chính
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020 và các quy định, chỉ đạo có liên quan của ngành cấp trên đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt được, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, bộ phận và cá nhân chủ trì thực hiện trong kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Phải bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm theo kế hoạch.
Kết quả cải cách hành chính hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn phải chịu trách nhiệm về kết quả công tác cải cách hành chính của các tổ chức, đơn vị, bộ phận trực thuộc khi thực hiện đánh giá các nội dung trên.
b) Căn cứ Đề án tuyên truyền cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện cụ thể để quán triệt toàn diện, sâu sắc về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính của Chính phủ, của tỉnh và của cơ quan, đơn vị; làm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, cách thức tham gia cải cách hành chính gắn với chuyên môn được giao, tránh trường hợp quán triệt chung chung, thiếu cụ thể.
Tăng cường và nâng cao chất lượng tuyên truyền cải cách hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân theo Đề án tuyên truyền cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015. Tiến hành khảo sát để nắm nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, qua đó chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin mà người dân, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu bằng nhiều hình thức; từng bước minh bạch hóa và công khai hóa toàn bộ thông tin về hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công theo quy định pháp luật.
Song song với việc tổ chức tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh thông qua trang (cổng) thông tin điện tử và tiếp nhận kiến nghị bằng văn bản, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Hải quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp để tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, kể cả các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, chậm trễ của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức.
Sau khi đối thoại, phải có văn bản chỉ đạo xử lý rõ ràng, cụ thể, thông báo đến tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị và báo cáo cơ quan cấp trên; cần thiết thì thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiểm tra xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, bộ phận đã được phân công nhưng không chấp hành hoặc chậm trễ, làm không đúng chỉ đạo. Đối với vấn đề vượt quá thẩm quyền phải nhanh chóng báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Nâng cao năng lực tham mưu cải cách hành chính
Các Sở, ngành, địa phương rà soát, bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính theo Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ tham mưu giúp việc về cải cách hành chính ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 05/3/2013 của UBND tỉnh. Công chức chuyên trách cải cách hành chính phải đủ kiến thức, năng lực, chủ động, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao; cần rà soát ngay để điều chỉnh phân công cho phù hợp.
Khẩn trương quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ của công chức chuyên trách cải cách hành chính; xây dựng quy chế phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính giữa tổ chức, công chức chuyên trách cải cách hành chính với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan. Xây dựng vị trí việc làm công chức, viên chức chuyên trách cải cách hành chính trong Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương (trừ các cơ quan ngành dọc của Trung ương) gửi Sở Nội vụ thẩm định.
Các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi hoặc lĩnh vực quản lý.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính hàng năm và tiến hành kiểm tra ít nhất 30% số cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc; chú trọng kiểm tra các lĩnh vực, các đơn vị gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân; gắn kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất cho đến khi giải quyết dứt điểm các hạn chế, vi phạm. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và kiến nghị, đề xuất phải được báo cáo kịp thời (ngay sau khi có kết quả kiểm tra, không nhất thiết phải chờ báo cáo định kỳ) cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để tổng hợp, nghiên cứu giải quyết.
4. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại Quy chế làm việc của UBND tỉnh để tham mưu bổ sung, hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm, nguyên tắc và cơ chế phối hợp, thời hạn xử lý và trả kết quả xử lý đối với từng loại công việc cụ thể thuộc trách nhiệm của các phòng chuyên môn và các chuyên viên tổng hợp thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
Hàng tháng, Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp danh mục các công việc chậm trễ và báo cáo UBND tỉnh có hướng xử lý đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Các Sở, ngành, địa phương kịp thời tổng hợp, báo cáo Văn phòng UBND tỉnh các cơ quan, đơn vị phối hợp chậm trễ để công bố trong danh mục trên, đồng thời tổ chức thực hiện nội dung này tại cơ quan, đơn vị.
5. Về giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm
a) Đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách, đổi mới cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành:
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong theo chức năng tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định, chính sách hiện hành của tỉnh trên các lĩnh vực: đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xã hội hóa hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nông nghiệp và phát triển nông thôn, dịch vụ du lịch, kinh tế biển,... Căn cứ kết quả rà soát, có báo cáo đánh giá cụ thể tình hình, kết quả thực hiện; nêu rõ những điểm còn phù hợp, những điểm còn bất cập hoặc chưa phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất cụ thể phương án xử lý. Các báo cáo này gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 31/10/2013.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định kết quả rà soát của các Sở, ngành nêu trên, tổng hợp và xây dựng Kế hoạch triển khai sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách, trình UBND tỉnh đúng thời gian quy định tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 tỉnh Khánh Hòa; báo cáo UBND tỉnh xử lý trách nhiệm các cơ quan chậm trễ hoặc không thực hiện. Đồng thời, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
b) Về cải cách thủ tục hành chính:
- Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, đánh giá quy trình giải quyết, các hồ sơ, biểu mẫu, các loại tờ khai của từng thủ tục và cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua đó, xác định những điểm chưa hợp lý, các giấy tờ trùng lắp, không cần thiết và đề xuất cụ thể phương án đơn giản hóa quy trình, hồ sơ thủ tục, điều chỉnh hợp lý hóa việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan, các cấp hành chính liên quan. Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa năm 2013 gửi về UBND tỉnh (đồng gửi Sở Tư pháp tổng hợp, chủ trì thẩm định) theo đúng tiến độ Kế hoạch số 696/KH-UBND ngày 05/02/2013 của UBND tỉnh.
Từ năm 2014, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực thủ tục trọng điểm phải rà soát, đơn giản hóa, xác định cụ thể trách nhiệm thực hiện, kinh phí và giải pháp thực hiện; báo cáo kết quả rà soát và phương án đơn giản hóa định kỳ hàng quý.
- Sở Tư pháp chủ trì hoàn thiện cơ sở dữ liệu gốc về thủ tục hành chính của tỉnh và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cập nhật ngay các thủ tục hành chính được sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cơ sở dữ liệu gốc về thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tới trang (hoặc cổng) thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương điều chỉnh, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu của Bộ phần mềm một cửa điện tử khi thủ tục hành chính có thay đổi.
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn việc phân công tổ chức, công chức tham mưu kiểm soát thủ tục hành chính tại các Sở, ngành, địa phương.