Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 06/09/2022
Ngày có hiệu lực 06/09/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Thành Diệu
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 06 tháng 9 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2022 - 2023

Căn cứ Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục;

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 28/6/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 05/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.

Căn cứ tình hình, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GDĐT tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ thị toàn ngành Giáo dục, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các sở, ngành có liên quan; đề nghị lãnh đạo các đoàn thể quán triệt phương hướng và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023, cụ thể như sau:

Chủ đề năm học 2022 - 2023: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

1. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 05 năm 2021 - 2025; khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

2. Giáo dục mầm non: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

3. Giáo dục phổ thông: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.

4. Giáo dục đại học: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.

5. Giáo dục thường xuyên: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GDĐT

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐT; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; tham gia nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời.

Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về GDĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong nhà trường.

Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển GDĐT theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi đế hoàn thành các mục tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục.

2. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh gắn với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành

Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành Giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.

Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở GDĐT; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

Tổ chức thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

4. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT

Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh về Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định. Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

[...]